Quay lại tìm việc
Hơn một tuần qua, chị Hoàng Thu Hiền (ngụ quận 12, TPHCM) thường lướt các trang mạng xã hội, các trang tuyển dụng để tìm kiếm việc làm. Từ khi dịch bùng phát, chị Hiền thất nghiệp, chi phí sinh hoạt đè nặng lên vai.
“Ở quê, công việc lao động phổ thông cũng không nhiều nên mặc dù bạn bè rủ về nhưng tôi chọn TPHCM làm nơi an cư lập nghiệp. Hiện tại, tôi đã kết nối được với một doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc và hẹn phỏng vấn vào đầu tuần sau”, chị Hiền tâm sự.
Khác với chị Hiền, anh Trần Thế V. (ngụ Đắk Nông) vừa quay lại thành phố tìm công việc mới sau gần một tháng tự chạy xe máy về quê. Anh V. thổ lộ: “Do đợt dịch rồi bức bí quá, tôi cùng nhóm bạn về quê. Nay dịch được kiểm soát, bản thân cũng đã được chích một mũi vaccine rồi nên mạnh dạn quay trở lại thành phố. Mấy ngày qua, tôi liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm và cũng có một số công việc tốt nên đang cân nhắc nộp hồ sơ”.
Ghi nhận tại các đơn vị giới thiệu việc làm, nhu cầu người tìm việc - việc tìm người những ngày qua cũng khá sôi động. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM đã có hơn 200 doanh nghiệp liên hệ để tuyển dụng, kết nối NLĐ với hơn 50.000 chỉ tiêu việc làm.
Bên cạnh đó, trung tâm có 10 văn phòng hỗ trợ việc làm được đặt rải rác trên địa bàn TPHCM, trong số đó có 4 văn phòng được đặt tại các bến xe miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã tư Ga để dễ dàng tiếp cận NLĐ khi có nhu cầu tìm việc.
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, đến nay, đã có 151.000 NLĐ quay lại TPHCM làm việc. Qua đó, nâng tổng số lao động làm việc tại hơn 1.400 doanh nghiệp đang khởi động lại là 215.000 người, tập trung ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, chế biến... Từ nay đến cuối năm 2021, TPHCM cần khoảng 60.000 lao động và đầu năm 2022, ngay sau Tết Nguyên đán, cần thêm 120.000 lao động phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm và đầu năm. Đây sẽ là cơ hội để NLĐ trở lại thành phố có việc làm ổn định.
Doanh nghiệp chào đón, mức lương phù hợp
Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng bắt đầu rao tuyển dụng lao động. Đa phần trả mức lương cao và được hưởng tất cả các quyền lợi theo Bộ luật Lao động quy định. Ngoài tuyển dụng các việc làm cố định thời gian thì công việc thời vụ, bán thời gian, xoay ca cũng phong phú.
Anh Trần Văn Thành (quản lý nhân sự Công ty May, in ấn Hoàng Ân ở huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, hiện công ty thiếu khá nhiều nhân viên mảng may mặc, in ấn và nhân viên kỹ thuật in có tay nghề. “Chúng tôi đã rao tuyển với mức lương 8-14 triệu đồng/tháng, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển dụng đủ số lượng để đảm bảo dây chuyền hoạt động ổn định”, anh Thành nói.
Tương tự, hơn 2 tuần qua, Công ty TNHH Parapex (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân) cũng đang rao tuyển dụng công nhân lao động ngành may mặc. Ngoài mức lương cao, NLĐ còn được hưởng các chế độ như đóng bảo hiểm xã hội, chế độ thưởng tết, nghỉ phép năm... Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang rao tuyển nhân sự với mức lương khá cao, trung bình 7-15 triệu đồng/tháng (tùy theo tay nghề, vị trí).
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM), nhu cầu việc làm của TPHCM từ nay đến cuối năm 2021 rất lớn. Mức lương lao động phổ thông dao động 4,5-6 triệu đồng/tháng, đối với nhân viên kỹ thuật có tay nghề, mức lương vào khoảng 10-15 triệu đồng/tháng.
“Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM đã tiến hành khảo sát tại các khu công nghiệp - khu chế xuất để nắm bắt tình hình tuyển dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn và trung tâm sẵn sàng kết nối, giới thiệu việc làm cho NLĐ”, bà Thảo cho biết thêm.
Hiện TPHCM có 127 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm và đang đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM sẽ liên tục mở các sàn giao dịch việc làm, kết nối NLĐ với doanh nghiệp.
Theo dự báo của Sở LĐTB-XH TPHCM, từ tháng 11 trở đi, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng so với hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành nghề như: dệt may, lao động phổ thông, kinh doanh, cơ khí, điện lạnh, công nghệ thông tin, bán hàng, giao nhận, kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ, cơ khí - tự động hóa, vận tải kho bãi...
Chiều 20-10, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ, TPHCM đang đẩy mạnh hỗ trợ an sinh đối với người có hoàn cảnh khó khăn. Việc hỗ trợ không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú. Đến chiều 20-10, có hơn 5,2 triệu người dân đã nhận hỗ trợ đợt 3 (chiếm hơn 78% trong tổng số hơn 6,6 triệu người có hoàn cảnh khó khăn được lập danh sách hỗ trợ). TPHCM tiếp tục rà soát bổ sung và việc chi hỗ trợ đợt 3 đến ngày 22-10. |