Tại buổi đối thoại, đại diện các sở, ban ngành địa phương, chuyên gia và đặc biệt các ngư dân đã chỉ ra những bất cập nghề khai thác thủy sản trên biển đang gặp phải, như: vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nguồn lợi thủy sản suy giảm, sinh kế ngư dân khó khăn, hệ lụy từ biến đổi khí hậu, giá thủy sản giảm, lạm phát giá và giá xăng tăng cao…
Một số ngư dân Bình Định cho rằng, quy định, thủ tục của Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa bám sát thực tiễn và năng lực ngư dân, thậm chí làm khó họ. Việc xác nhận nguồn gốc thủy sản còn khó khi thiết bị giám sát hành trình thường xuyên bị lỗi. Việc tháo thẻ vàng IUU không chỉ là trách nhiệm ngư dân đánh bắt xa bờ mà còn phải ràng buộc ngư dân vùng lộng, ven bờ, đặc biệt cần phân loại ngành nghề hủy diệt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, chia sẻ, từ tháng 10-2017 khi nước ta bị Liên minh châu Âu phạt thẻ vàng thủy sản thì việc xuất khẩu gặp phải hàng rào thủ tục vô cùng ngặt nghèo. Nhiều lô hàng phải nằm chờ thông quan từ 10-15 ngày, thậm chí 1 tháng vẫn chưa được xác nhận, kiểm tra khiến chi phí lưu kho,bãi, lưu container, tiền điện… tăng rất cao. Hiện, sản lượng xuất khẩu của đơn vị qua châu Âu giảm từ 60% xuống còn 20%.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết, sau nhiều năm triển khai các quy định về thủy sản và phòng, chống IUU, ngành thủy sản cả nước gặp nhiều vấn đề phát sinh, trong đó số lượng công việc quá lớn khiến cho quá trình lưu trữ, kết nối công khai các số liệu gặp khó. Trước mắt, Bình Định là tỉnh có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nên đi đầu trong số hóa toàn hệ thống quản trị nghề cá.
Theo bà Sắc, hiện các nước có ngành thủy sản tiên tiến tại châu Á đã mở các chợ đấu giá thủy sản, châu Âu thì đấu giá thủy sản trên hệ thống mạng lưới công nghệ số. Vì vậy, Bình Định và một số tỉnh có ngành thủy sản lớn trong nước cũng sớm xây dựng chợ đấu giá thủy sản để nâng cao giá trị.