Sức ép tỷ giá đã hiện hữu

(ĐTTCO) - Tỷ giá USD/VNĐ vừa trải qua tuần lễ dậy sóng. Trong phiên cuối tuần trước (28-10), tỷ giá trung tâm đứng ở mức 23.693 đồng/USD, tăng 2,36% so với cuối năm 2021. Tỷ giá tại Vietcombank ở mức 24.590-24.870 đồng/USD, tương đương VNĐ đã mất giá 8,5% so với USD tính từ cuối năm ngoái. 
Sức ép tỷ giá đã hiện hữu
Trước khi về mức giá này, tỷ giá trung tâm đã từng chạm đỉnh 23.703 đồng/USD ngày 25-10, sau 13 phiên tăng liên tiếp với tổng mức tăng 286 đồng. 
Xu hướng tăng của tỷ giá đã nối dài từ đầu năm. Song đỉnh điểm tập trung vào tháng 10, vì cuối tháng 9 VNĐ chỉ mất giá 4,53% so với USD. Tức chỉ trong khoảng 1 tháng qua, tỷ giá đã tăng thêm 3,97%. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã can thiệp rất mạnh như bán ra hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang bán giao ngay, tăng lãi suất điều hành… Song áp lực tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhất là khi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9, đã đề cập đến khả năng cao việc tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản vào tháng 11 và 50 điểm cơ bản vào tháng 12. 
Fed liên tục tăng lãi suất USD và USD tăng giá rất mạnh, trong khi lãi suất USD tại Việt Nam là 0%. Điều này có thể khiến USD chảy đi, ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ. Hiện tại cán cân thương mại vẫn nghiêng về xuất siêu, nhưng Bộ Công Thương lo ngại những tháng cuối năm hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn khả quan, với dòng vốn giải ngân tính gộp từ đầu năm đến tháng 9 đạt 15,4 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Nhưng quy mô giải ngân vốn FDI trong tương lai kém khả quan, khi vốn FDI đăng ký trong 9 tháng giảm 15,3% so với cùng kỳ, xuống còn 18,8 tỷ USD so với 22,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Còn dư địa của dự trữ ngoại hối không còn rộng rãi sau khi NHNN can thiệp mạnh trong các tháng qua. Đó là các vấn đề hiện hữu trong nền kinh tế.
Cùng với việc tác động lên cung tiền, thị trường chứng kiến hàng loạt bước đi lớn của nhà điều hành chỉ trong khoảng nửa tháng qua, đồng thời điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VNĐ từ mức ±3% lên ±5%. Đây là lần điều chỉnh biên độ đầu tiên sau 7 năm, tạo ra dư địa rộng rãi hơn để các chủ thể trên thị trường xác lập tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thực tế. Nới biên độ, các NHTM linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ, chênh lệch giá USD chợ đen và chính thức được rút ngắn. Cuối tuần qua, giá USD chợ đen giao dịch mua vào bán ra ở mức 25.180-25.280 đồng. 
Ngày 24-10, NHNN bất ngờ thông báo điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, nâng thêm 1% từ 25-10. Tăng lãi suất điều hành được xem là giải pháp để giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước và sức ép của lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh đồng USD lên giá mạnh. Dẫu vậy cũng khó nói rằng áp lực tỷ giá đã được chế ngự. Vì càng về cuối năm, ngoại tệ phục vụ nhu cầu thanh toán thường cao hơn do yếu tố mùa vụ. 
Trên thế giới, Fed vẫn đang trong xu hướng tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát. Do đó, USD sẽ lên giá và duy trì sức mạnh tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác. Các NHTW lớn khác, như NHTW châu Âu (ECB) sẽ phải cân nhắc những điều chỉnh quyết liệt hơn. Do đó, áp lực tỷ giá được dự báo chỉ giảm sau khi Fed hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất, sớm nhất vào tháng 6-2023. 
Trong khi đó, một loạt hành động của NHNN tuy phần nào ghìm cương tỷ giá, nhưng lại kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất trong bối cảnh thanh khoản VNĐ đang căng thẳng. Cuối tuần trước, nhiều NHTMCP đã niêm yết mức lãi suất gần 9%/năm, thậm chí vượt 9%/năm. Điều này sẽ trực tiếp tác động đến lãi suất cho vay. Như vậy, lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong thời gian tới khi yêu cầu “bảo vệ” tỷ giá vẫn còn đặt ra, có nghĩa việc tăng lãi suất cho vay là điều khó tránh.

Các tin khác