(ĐTTCO) – Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, tuy nhiên, còn không ít điểm nghẽn, khó khăn trong quá trình triển khai đến từ thị trường, ý thức người đứng đầu doanh nghiệp; đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, quy định trên tinh thần vừa chặt chẽ, vừa thuận lợi hơn.
Đây là nội dung được trao đổi tại cuộc họp báo chuyên đề về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ Tài chính chiều 23/12.
Thoái vốn đạt nhiều kết quả
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Trong đó có 6 Tổng công ty nhà nước, 3 Tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty IDICO, Tổng công ty HUD).
Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 56 đơn vị là 24.379 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.374 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) đã thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng.
Các đơn vị thoái vốn có giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỷ đồng; còn các doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm), các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng.
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng. Số liệu của SCIC không bao gồm khoản bán đấu giá cổ phần của Vinamilk vì mới đấu giá cổ phần ngày 12/12, đơn vị trúng thầu chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá.
Ông Đặng Quyết Tiến đánh giá, các đơn vị đã thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu DNNN và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, với các cơ chế chính sách đầy đủ, hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao… Công tác cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Tạo cơ chế thuận lợi, thu hút nhà đầu tư tốt hơn
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, đại diện Bộ Tài chính thẳng thắn cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế trong qua trình CPH như: Tiến độ cổ phần hóa DNNN và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng về số lượng và chất lượng.
Vẫn có lãnh đạo doanh nghiệp chưa thông tư tưởng, vừa buộc phải bán vốn nhưng lại “lo nếu bán đi hết thì ảnh hưởng vị trí”. Ngay cả doanh nghiệp sau cổ phần hoá vẫn chậm trễ niêm yết. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chậm trễ triển khai hoặc mắc sai phạm còn chưa nghiêm (Bộ Tài chính chỉ là cơ quan cảnh báo không phải là chủ quản).
Thậm chí, qua bán vốn đợt 1 tại Vinamilk, đạt giá trị giao dịch khá lớn 500 triệu USD vừa qua, vẫn bộc lộ một số bất cập về cơ chế bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với các thông lệ quốc tế là không có việc phải đặt cọc mua cổ phần với giá trị bằng 10% giá trị đặt mua và cơ chế đấu giá. Thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài ít có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, do đó chưa thực sự khuyến khích được nhà đầu tư sử dụng.
Hay về phương thức bán cổ phần, các giao dịch tương tự ở nước ngoài được thực hiện theo phương pháp dựng sổ thay vì đấu giá, phương thức này ghi nhận tổng hợp nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó xác định cơ cấu, khối lượng, giá bán một cách tối ưu ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi theo nhu cầu thực tế của thị trường. So với chào bán cạnh tranh thì phương thức dựng sổ phù hợp hơn với nhu cầu của các nhà đầu tư là tổ chức lớn về thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin đặt mua của nhà đầu tư và bảo đảm các nhà đầu tư đều được mua ở cùng một mức giá.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã thường xuyên tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, những điểm chưa hiệu quả để xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế các quy định cũ liên quan đến việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Ông Đặng Quyết Tiến cũng giới thiệu những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Nghị định, cụ thể về sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, dự thảo Nghị định điều chỉnh lại theo hướng doanh nghiệp không phải điều chỉnh ngay số liệu sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị doanh nghiệp mà đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp mới điều chỉnh số liệu trong sổ kế toán làm căn cứ để bàn giao giữa doanh nghiệp CPH và công ty cổ phần.
Về các phương thức bán cổ phần lần đầu ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ. Phương thức dựng sổ để bán cổ phần này là một phương thức phổ biến trên thế giới cần được nghiên cứu áp dụng trong quá trình CPH.
Phương pháp dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành. Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng. Đồng thời quy định rõ số lượng cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng tối thiểu bằng 10% vốn điều lệ.
Về chính sách ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa, tạo điều kiện cho người lao động nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp sau cổ phần, dự thảo Nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp CPH (bao gồm cả người lao động tại các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ…) được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị một cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần), phần giá trị ưu đãi này được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị một cổ phần ưu đãi này theo mệnh giá.
Dự thảo Nghị định mới cũng có các quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về xác định giá trị doanh nghiệp; vấn đề đất đai trong quá trình CPH; vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính…