Nợ xấu của ngân hàng là tài sản không sinh lời của DN nên không thể xử lý bằng mọi giá vì như thế sẽ gây tổn hại cho DN và ảnh hưởng đến cả tổ chức tín dụng. Xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là tối ưu.
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra NHNN tại Hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” tổ chức ngày 23/10.
Bước đầu giải nguy tình thế thành công
Đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng 3 nội dung then chốt của quá trình vừa qua là cơ cấu lại về quản trị, cơ cấu tài chính, cơ cấu về công nghệ. Dù gặp nhiều vấn đề vướng mắc về pháp lý nhưng chúng ta đã thành công.
Đến thời điểm này, ước tính trên 98% số nợ xấu xác định tại thời điểm 9/2012 đã được xử lý tương ứng với gần 458.000 tỉ đồng. NHNN đã nhận diện nợ xấu ở thời điểm đó tương đối sát (465.000 tỉ đồng). Mục tiêu năm 2015 là đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới 3%, nhưng cả hệ thống ngân hàng đã phấn đấu đưa nợ xấu về dưới 3% trước 30/9 (2,93%).
Ông Nghĩa khẳng định việc NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng là đúng luật, dựa trên giá trị thực của cổ phiếu các ngân hàng đó. Đây là quan hệ mua bán, không phải là quốc hữu hóa.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa không nên cho rằng ngân hàng phá sản thì Nhà nước không mất gì, bởi Bảo hiểm Tiền gửi (tổ chức tài chính của Nhà nước) phải chi trả cho người gửi tiền. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống.
Nợ xấu của ngân hàng là tài sản không sinh lời của doanh nghiệp, chúng ta không thể xử lý bằng mọi giá vì như thế sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến cả tổ chức tín dụng. “Xử lý nợ xấu thông qua VAMC là tối ưu”, ông Nghĩa khẳng định
Có cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá việc áp dụng hình thức mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là cách thức triển khai tái cơ cấu sáng tạo. Thực tế, NHNN chỉ cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng này mà không tốn đồng nào. Cùng với việc “mua” là sự chấn chỉnh lại hệ thống của ngân hàng đó, sau đó có thể bán lại cho một ngân hàng khỏe mạnh hơn.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được kết quả với những con số ấn tượng là 17 tổ chức tín dụng yếu kém đã được xử lý; hàng triệu người gửi tiền đã được bảo vệ; hàng nghìn DN được phục hồi. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là kết quả này có ý nghĩa ổn định hệ thống, tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân.
Còn TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng và Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, nếu nhìn vào giai đoạn trước, có lúc lãi suất cho vay lên đến 30% và đẩy lãi suất huy động lên đến 18-20% vào thời điểm cuối năm 2011 đầu năm 2012, nhiều ngân hàng gần như rơi vào tình trạng mất thanh khoản, có nguy cơ đổ vỡ, đe doạ sự an toàn và ổn định của hệ thống, thì có thể nói hiện nay, tình hình đã được cải thiện rất nhiều.
Ông Đức cho rằng việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập và hoạt động tích cực, kết hợp các giải pháp tổng thể, “cục máu đông” nợ xấu được xử lý đã tan dần.
Cần hoàn thiện khung pháp lý cho tái cơ cấu dài hạn
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích: Kết quả đạt được với việc xử lý nợ xấu là 45% đang ở VAMC, xử lý 28% nợ xấu nhờ dự phòng rủi ro, 27% còn lại giải pháp khác là thu nợ và xiết nợ. Tuy nhiên, tính pháp lý là rào cản việc các đơn vị nước ngoài mua lại nợ xấu theo giá thị trường.
Ông Đặng Ngọc Đức thì nhấn mạnh đến việc cần có các biện pháp xử lý các nút thắt về tài sản đảm bảo, hỗ trợ các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả xử lý tài sản đảm bảo phù hợp với các điều khoản thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục hồi DN, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng trong vài năm gần đây, trong bối cảnh DN khó khăn, Thống đốc NHNN và lãnh đạo TPHCM đã triển khai cách thức cho vay “nối kết doanh nghiệp” rất hiệu quả. Bằng chứng là hàng nghìn DN TPHCM nhờ vốn ưu đãi đã hồi phục hoạt động tốt trở lại và trả được nợ.
Tuy nhiên, cách thức này cũng không thể mãi áp dụng. Để tạo điều kiện hơn nữa cho DN, ông Trần Du Lịch kiến nghị NHNN, căn cứ vào thực tế cần xem xét có giải pháp để có thể giảm lãi suất cho vay từ đầu năm 2016.
TS. Trần Đình Thiên đánh giá cao nỗ lực của NHNN khi đạt được những kết quả tích cực vô cùng rõ rệt, nhưng ông cũng cho rằng không thể tái cơ cấu theo kiểu “đánh cờ nước một”,“rối đâu gỡ đấy”. Để tái cơ cấu thành công, rõ ràng không thể chỉ giải quyết các vấn đề cụ thể đang đối mặt mà phải có một tầm nhìn xa, nhìn ra được bản chất các khuyết tật phải sửa.
Một bài toán là phải giải quyết nợ xấu hệ thống gắn liền với các giải pháp giải quyết các DN yếu kém liên quan.
Dưới góc độ, đơn vị trực tiếp tham gia xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, nguyên tắc mua nợ xấu của VAMC là không phải khoản nào cũng mua. Mục đích của VAMC trong việc mua nợ xấu là để hỗ trợ các tổ chức tín dụng. Công ty mua nợ về để phân loại, khoản nợ đang ở loại nào (khởi kiện, thi hành án...) và nó thu được hay không thu được.
Ông Hùng cũng kì vọng, đến hết năm 2015, nợ xấu của hệ thống được đưa về dưới 3%. Còn mục tiêu trong năm 2016 của VAMC là xử lý từ 225.000-250.000 tỉ đồng.
VAMC đã mua tổng cộng 225.000 tỉ đồng nợ gốc của 139 tổ chức tín dụng với giá trái phiếu là 191.335 tỉ đồng. Trong số đó, Công ty đã phối hợp xử lý cùng các tổ chức tín dụng được 15.663 tỉ đồng, chiếm 7% số nợ đã mua về.
Riêng năm 2015, kế hoạch cả năm là mua 10.000 tỉ đồng, thì đến nay, VAMC đã mua được khoảng 11.000 tỉ dồng, vượt kế hoạch 1.000 tỉ đồng.