Tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu

Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp (DN) 6 tháng đầu năm. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho biết:

Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp (DN) 6 tháng đầu năm. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho biết:

Sau một thời kỳ tương đối dài, 6 năm liên tiếp, lần đầu tiên chúng tôi nhận được tín hiệu tích cực từ phía cộng đồng DN. Theo đó, các DN đã đánh giá một cách tổng thể tình hình phát triển kinh doanh có sự cải thiện rõ rệt.

Nhiều yếu tố của tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 được DN cảm nhận là tốt hơn so 6 tháng cuối năm 2013 (mặc dù vẫn còn tồn tại một số yếu tố chưa được cải thiện) và được dự cảm sẽ tiếp tục tốt hơn vào 6 tháng cuối năm, như chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm…

Điểm sáng nổi bật trong các chuyển biến tốt (theo trình tự của mức độ chuyển biến) là: tiếp cận nguồn thông tin về thị trường, công nghệ; điều kiện hạ tầng tiện ích: điện nước, xử lý nước thải; thái độ, ý thức trách nhiệm và năng lực của cán bộ công quyền trong việc thực hiện các quy định pháp lý…

Tuy nhiên, cũng còn những điểm đáng quan ngại nổi bật trong các chuyển biến không thuận lợi (theo trình tự của mức độ nghiêm trọng giảm dần): lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm; nhu cầu thị trường trong nước; giá thành sản xuất; giá bán bình quân…

Cũng theo khảo sát, 5 tháng đầu năm 2014 có khoảng 4,2% DN trả lời khảo sát phải tạm thời ngừng hoạt động. Thời gian ngừng hoạt động trung bình 1,5 tháng, DN có thời gian ngừng hoạt động ngắn nhất 0,5 tháng và dài nhất 4 tháng. DN phải ngừng hoạt động trong thời gian qua do không tìm được thị trường đầu ra chiểm tỷ lệ cao nhất (50%). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến DN phải ngừng hoạt động lâu nhất (4 tháng). Điều này chứng tỏ làm thế nào để tiêu thụ được sản phẩm vẫn đang là một thách thức rất lớn đối với DN.

Tuy nhiên, khảo sát này của chúng tôi được thực hiện trong tháng 4, trước khi có sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam. Do vậy, cảm nhận của DN trước và sau sự kiện trên cũng sẽ có những thay đổi và cộng đồng DN cũng sẽ phải có những điều chỉnh trong kế hoạch kinh doanh của mình.

PHÓNG VIÊN: - Với những diễn biến trên biển Đông thời gian qua và hiện nay, VCCI có những khuyến nghị gì, thưa bà?

Bà PHẠM THỊ THU HẰNG:  - Trước những biến động của tình hình kinh tế trong nước thời gian qua, chúng tôi cho rằng DN phải tập trung và định hướng lại thị trường xuất nhập khẩu, nhất là những nơi có nguồn nguyên liệu nhập và hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cùng với việc đa dạng hóa thị trường, các DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh khai thác các thị trường mới; tăng cường phát triển thị trường trong nước thông qua xúc tiến bán hàng, đưa hàng về nông thôn nhằm mở rộng thị trường và giải quyết hàng tồn kho.

Từ kết quả khảo sát trên, chúng tôi cũng khuyến nghị DN cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc DN, trong đó tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đa dạng hóa các nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro do quá phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng, tranh thủ các quỹ đầu tư, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược… thông qua đó cải thiện công tác quản trị kinh doanh.

Các DN cần rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết, tạo tiền đề cho việc hạ giá thành sản phẩm.

Đối với Nhà nước, chúng tôi cũng kiến nghị cần có sự tăng cường các biện pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường đầu ra. Đây là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, bởi hiện nay hầu hết DN phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm do không tiêu thụ được sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; xem lại các quy định về chia tách, hợp nhất và sáp nhập DN. Vì đây là những quy định bị phản ánh còn bất cập và gây khó khăn lớn nhất cho DN.

- Việt Nam đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA giữa Việt Nam và EU. DN nhìn nhận thế nào về các cơ hội này, thưa bà?

- DN kỳ vọng qua các cuộc đàm phán này sẽ có những cơ hội xuất khẩu tốt hơn và nguồn cung nguyên liệu sẽ có sự đa dạng, dồi dào hơn. Bởi chính TPP cũng được kỳ vọng Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước.

- Từ ngày 19-6, các ngân hàng đã tiến hành điều chỉnh tỷ giá lên mức 1%. Theo bà, điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của DN?

- Theo quan điểm của tôi, việc điều chỉnh tỷ giá này không có ảnh hưởng nhiều đến DN. Bởi trên thực tế, chúng ta đã nói rất nhiều việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà tỷ giá thực của Việt Nam từ trước đến thời điểm 19-6 vẫn cao hơn so với Trung Quốc, đã không tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu. Chính vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp DN có điều kiện tốt hơn trong việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác