Theo dõi báo trên:
TPHCM kỳ vọng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 đang chuẩn bị trình Quốc hội và nếu được Quốc hội thông qua sẽ giúp thành phố mở được nút thắt về nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, đô thị.
Ùn tắc vì nhiều dự án không thể triển khai
Kẹt xe, ùn tắc, một thứ "đặc sản" không ai mong muốn "thưởng thức" ở siêu đô thị như TPHCM, đặc biệt là tại các khu vực cửa ngõ thành phố. Nhiều người vẫn hay nói vui: “TP chỉ còn một điểm kẹt xe duy nhất là... toàn thành phố”.
Tài xế Nguyễn Thành Trí, thường xuyên lưu thông trên tuyến Quốc lộ 13 và Quốc lộ 22, bày tỏ: "Đa số là kẹt nhiều, tới giờ cao điểm kẹt ghê lắm. Tài xế mà. Nhưng vấn đề là kẹt lâu quá lại tốn chi phí, đội giá thành sản phẩm lên cao, nhiều khi chạy cả ngày có được chuyến hàng. Cũng mong thành phố có cách khắc phục để người dân di chuyển thông thoáng, thoải mái thuận tiện cho giao thương".
Để giải quyết vấn nạn ùn tắc, kẹt xe ở các cửa ngõ, TPHCM đã lên kế hoạch triển khai mở rộng mặt đường nhiều dự án giao thông kết nối như Quốc lộ 13 (dự án thành phần của dự án cầu Bình Triệu 2), Quốc lộ 1 cửa ngõ phía Tây (đoạn An Lạc - Long An), Quốc lộ 22 (đoạn từ Ngã tư An Sương - Vành đai 3)…
Tuy nhiên, tất cả kế hoạch trên đều chưa thể triển khai hiệu quả, bởi các biện pháp huy động nguồn lực, như: hình thức BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao) không được áp dụng trên đường hiện hữu. Còn hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) không còn được quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
Theo các chuyên gia, dù được quan tâm nhưng trong bối cảnh nguồn vốn bố trí cho lĩnh vực giao thông vẫn ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu thì việc huy động các nguồn lực xã hội là rất cần thiết.
TPHCM dự kiến sẽ mở rộng Quốc lộ 13. (Ảnh: H.K)
Chính bởi vậy, trong dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 năm 2017, TPHCM cũng đặt các vấn đề về việc khởi động lại các dự án theo hình thức BOT với các tuyến đường hiện hữu. Và nếu được Quốc hội kỳ này thông qua thì đây không chỉ là "cứu cánh" để thành phố huy động nguồn lực trong chỉnh trang đô thị mà còn là giải pháp để phát triển các dự án nhà ở xã hội.
“BOT trước đây làm không tốt vì những cái gì, hiện nay chúng ta có cách nào khắc phục không, chúng ta mới có luận chứng rằng thành phố sẽ làm BOT hiệu quả. Bởi vì thành phố đã tìm ra những khuyết điểm mà BOT cũ thất bại”, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM nói.
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế giám sát minh bạch
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, hiện nay, nhiều dự án giao thông cần vốn đầu tư rất lớn, trong khi vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 mới đáp ứng khoảng 40%.
Do đó, nếu Nghị quyết mới được thông qua, TPHCM sẽ áp dụng lại các hình thức BOT, BT trong huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để triển khai ngay các dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cảnh thường thấy ở Quốc lộ 1 cửa ngõ đi về miền Tây. (Ảnh: H.K)
Theo bà Mai, bản thân hợp đồng BT không có gì sai nhưng trong quá trình thực hiện có những vướng mắc, không thống nhất giữa các bộ luật liên quan nên có một số vấn đề đáng tiếc, chưa trôi chảy. TPHCM sẽ đề xuất các cơ chế để kiểm soát, giúp người dân đồng thuận, minh bạch trong trong dự án.
"Sau khi ban hành sẽ có các cơ chế và quy định. Các bộ ngành sẽ cùng phối hợp với thành phố để đặt ra các quy định để khắc phục những hạn chế của BT trước đây để giúp thành phố triển khai hình thức kêu gọi đầu tư này hiệu quả. Đây cũng là ví dụ, việc thí điểm trước để làm sao các tỉnh thành trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm và có thể áp dụng hình thức BT này trên phạm vi cả nước", bà Mai cho biết thêm.
Huy động nguồn lực xã hội để phát triển là xu thế phát triển tất yếu. Đầu tàu TPHCM hiện đang gặp quá nhiều lực cản thì việc tạo cơ chế vượt trội để huy động các nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, nhất là lĩnh vực giao thông là điều cấp thiết, bởi hạ tầng giao thông cần đi trước mở đường. Vấn đề là phải tạo hành lang pháp lý, đồng thời thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.