'Tấm hộ chiếu xanh' cho hàng hóa Việt vươn tầm quốc tế

(ĐTTCO) - Mục đích của việc xét chọn danh hiệu “doanh nghiệp xanh” nhằm kiến tạo “tấm hộ chiếu xanh cho doanh nghiệp Việt” và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật, nhất là “rào cản xanh” trên thị trường trong và ngoài nước.
Nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành xanh
Nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành xanh

Sáng 31-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đồng tổ chức lễ công bố chương trình xét chọn và trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2023.

Giúp doanh nghiệp xanh hơn

Phát biểu khai mạc lễ công bố, nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh”, nhấn mạnh, xu hướng phát triển xanh, bền vững đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Hiện tại, các thị trường xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam bao gồm châu Mỹ, châu Âu, châu Á… đã triển khai áp dụng thuế xuất khẩu cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn, thậm chí đã đặt ra hàng loạt rào cản khắt khe để hạn chế nhập khẩu hàng hóa không thân thiện môi trường.

Do vậy, cùng với việc xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh”, ban tổ chức mong muốn góp phần chia sẻ những thông tin liên quan đến các rào cản kỹ thuật xanh đang được áp dụng phổ biến tại thị trường xuất khẩu và trong nước. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển kinh tế bền vững; trao đổi tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển xanh.

Lãnh đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM ký thỏa thuận hợp tác tổ chức Chương trình Xét chọn và trao danh hiệu "Doanh nghiệp xanh"

Lãnh đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM ký thỏa thuận hợp tác tổ chức Chương trình Xét chọn và trao danh hiệu "Doanh nghiệp xanh"

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đồng Trưởng ban chỉ đạo Chương trình xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh”, cho biết, ban tổ chức không chỉ đơn thuần là xét chọn và trao danh hiệu cho doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “Doanh nghiệp xanh” mà còn cam kết hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện nội lực xanh của mình để đạt được danh hiệu này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, phần lớn doanh nghiệp Việt có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, nội lực vốn mỏng nên chuyển đổi sản xuất xanh không dễ. Thấu hiểu được điều đó, ngay từ khi soạn thảo chương trình, ban tổ chức đã xây dựng nội dung đồng hành cùng doanh nghiệp và thể hiện ở 5 khía cạnh. Một là, cơ cấu hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia môi trường, khoa học - công nghệ hàng đầu, có nhiệm vụ thẩm định nhưng cũng gợi ý giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện nội lực xanh.

Đông đảo khách mời tham dự chương trình

Đông đảo khách mời tham dự chương trình

Hai là, kết cấu đơn vị có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển giao, xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất. Ba là, chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để đưa ra các chương trình tín dụng xanh nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khi xanh hóa.

Bốn là, hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng khả năng xúc tiến giao thương, kết nối và mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm xanh. Năm là, sẽ tập trung nâng tầm danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” đủ để doanh nghiệp đạt chứng nhận này có “tấm vé thông hành” đi sâu hơn vào thị trường quốc tế.

Danh hiệu thiết thực với doanh nghiệp

Chia sẻ tại lễ công bố, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đã giới thiệu về quy chế và tiêu chí xét chọn danh hiệu “Doanh nghiệp xanh”. Theo đó, đối tượng của chương trình này là các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh hoặc có chi nhánh hoạt động tại TPHCM. Ngoài ra, chương trình mở rộng xét chọn cho các doanh nghiệp là thành viên các tổ chức liên kết với hiệp hội doanh nghiệp thành phố tự nguyện tham gia xét chọn danh hiệu.

Doanh nghiệp tự nguyện đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu theo các tiêu chí đánh giá; đồng thời cam kết thực hiện, duy trì và chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn về môi trường của doanh nghiệp theo quy định. Việc công nhận danh hiệu có giá trị 1 năm, kể từ ngày được công nhận.

Xúc xích “made in Viet Nam” được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xúc xích “made in Viet Nam” được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đánh giá tiêu chí Chương trình xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” năm 2023, GS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, cho rằng rất hợp lý, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, rất có ý nghĩa, bởi ngoài đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị để đáp ứng yêu cầu xanh, thì hiệu quả sử dụng nguyên liệu tăng lên, phát thải giảm; phải đầu tư công nghệ xử lý chất thải tiên tiến hơn để xử lý triệt để hơn, tiết kiệm năng lượng, hóa chất.

"Và sâu xa hơn trong quy trình sản xuất không chỉ đơn giản là thay thế thiết bị, mà còn là thay thế các nguyên vật liệu (thường là hóa chất) bằng nguyên vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường, tạo sản phẩm an toàn sức khỏe cho cộng đồng", GS Nguyễn Văn Phước kỳ vọng.

Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp thuộc các hiệp hội ngành nghề như lương thực thực phẩm, cơ khí điện, nhựa… cũng khẳng định, xu hướng xanh hóa sản xuất là yếu tố sống còn. Do vậy, Chương trình xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” mà ban tổ chức công bố là một giải pháp rất kịp thời, có giá trị hết sức thiết thực với doanh nghiệp.

PGS-TSKH PHÙNG CHÍ SỸ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Nước và môi trường TPHCM:

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam về môi trường đã và đang được xây dựng phù hợp với trình độ sản xuất, vận hành trong nước và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn xanh sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ về vốn, về thị trường tiêu thụ… Tuy nhiên, trước tiên cần cải tiến quy trình công nghệ, thay đổi cách quản lý để tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, hạ giá thành; doanh nghiệp phải có ý thức nếu không chuyển đổi sẽ bị đào thải.

Về nguồn lực, doanh nghiệp có thể yên tâm khi có rất nhiều cơ chế hỗ trợ. Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, thị trường tiêu thụ, khoa học - công nghệ. Một số nguồn lực quốc tế hiện nay cũng đã thống nhất lập quỹ hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi xanh. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp có thể tiếp cận các chương trình, chính sách. Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cũng là một nguồn để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Không nên coi “xanh hóa” là câu chuyện quá to tát, mà nó có ý nghĩa là xanh dần dần, ngày càng xanh hơn, bắt đầu từ những bước đơn giản nhất, trong đó không phải giải pháp nào cũng cần nhiều vốn.

GS-TS NGUYỄN VĂN PHƯỚC, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM:

Hàng hóa muốn xuất khẩu được phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn xanh quốc tế. Nhận thức của cộng đồng, người tiêu dùng ngày càng cao cũng dẫn đến việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm xanh. Do vậy, việc chuyển đổi xanh là sống còn của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp như thế nào? Muốn thay đổi công nghệ, vật liệu cần có đầu tư nên doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhất định về tài chính, khoa học - công nghệ.

Với đội ngũ trí thức về môi trường, trong đó có lĩnh vực tái chế, kinh tế tuần hoàn đầy nhiệt huyết, các nhà khoa học chúng tôi cam kết đồng hành và sẵn sàng chỉ ra cho doanh nghiệp cần làm gì, theo từng giai đoạn để chuyển đổi.

TS NGUYỄN MINH TÚ, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM):

Hiện có rất nhiều tiêu chí xanh để doanh nghiệp hướng tới. Chúng ta đã nghe nhiều đến các rào cản bắt buộc như lượng kháng sinh trong tôm, chiếu xạ thanh long, khai thác thủy sản… Đó là những quy định cứng, dù muốn hay không cũng phải chấp hành nếu đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Ngoài ra, còn có những tiêu chuẩn tự nguyện, như thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất theo hướng organic, sản xuất theo hướng sinh thái... Nếu sản phẩm có được những tiêu chuẩn tự nguyện này đi kèm thì có thể bán được hàng giá cao hơn, giá trị thương hiệu cao hơn. Tất nhiên, quá trình chuyển đổi sẽ không dễ dàng. Trong đó có những tiêu chí xanh rất khó thực hiện trong thời gian ngắn hạn, cần phải đưa ra lộ trình cụ thể, hợp lý. Còn những tiêu chí, quy định cứng cần ưu tiên thực hiện. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp gia tăng hiệu quả sản xuất, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam và thế giới.

Các tin khác