TPHCM nhiều năm qua đã có khá nhiều chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao và đã thu được những kết quả nhất định. Về tiềm năng và cơ hội, TPHCM có điều kiện kinh tế - xã hội, vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm đầu mối gắn với các địa phương ĐBSCL và Đông Nam bộ, tăng trưởng kinh tế cao đứng đầu cả nước, là nơi hội tụ nhiều nhân tài của đất nước, có điều kiện chăm lo hơn đến cơ sở vật chất phục vụ phát triển đội ngũ chuyên gia, giảng viên và các nhà nghiên cứu, thu hút nhiều sáng kiến đổi mới giáo dục.
TPHCM đi đầu về việc tổ chức mạng lưới hợp tác với các trường đại học (ĐH) trên địa bàn cũng như hợp tác quốc tế với một số ĐH nổi tiếng trên thế giới. Nhờ sự hợp tác qua các chương trình tiên tiến, chủ yếu về kỹ thuật công nghệ, chúng ta đã có đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi chuyên môn và ngoại ngữ - sẽ là những hạt giống tốt để đào tạo nhân tài cho thành phố.
Khung trình độ quốc gia được xây dựng với sự góp ý của các ngành kinh tế và tham khảo Khung trình độ châu Âu có thể xem là một khung chuẩn cơ bản để các cơ sở đào tạo tham chiếu xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo theo các chuẩn chung của quốc tế.
Tuy nhiên, TPHCM cũng gặp những thách thức không nhỏ. Đó là thiếu khả năng dự báo và quy hoạch nhân lực do chưa có cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện và thường phải đối phó với sự phức tạp của quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Sự chồng chéo quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực tạo ra những phức tạp trong quản lý, không tổng hợp nguồn lực để tận dụng lợi thế của thành phố.
Thiếu diện tích đất để phát triển cơ sở hạ tầng cho trường học cũng như phương tiện vận tải công cộng chưa thật phát triển. Sự phối hợp giữa các ban ngành trong thành phố ở mối quan hệ ngang và sự phối hợp theo ngành kinh tế giữa trung ương và địa phương chưa thật hiệu quả, ảnh hưởng đến quá trình cải cách hành chính giáo dục, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.
Quan hệ hợp tác giữa các trường chuyên nghiệp với các trường đại học, giữa các trường đại học với các viện nghiên cứu, cũng như giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa hình thành nên những đối tác chiến lược bền vững để phát triển nguồn nhân lực.
Chúng ta cũng phải thừa nhận nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế: thiếu các kỹ năng mềm về tư duy hệ thống, logic và kỹ năng giao tiếp cùng hợp tác làm việc nhóm; thiếu khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và ngoại ngữ khác; tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật hạn chế; thiếu sự hiểu biết văn hóa thế giới để có thể khai thác năng lực, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chúng ta nhấn mạnh đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại coi nhẹ chiến lược quản lý nguồn nhân lực, nên hiệu quả khai thác nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước còn hạn chế.
Chính vì những điều đó, thành phố cần tập trung đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình mới chú trọng phát triển năng lực của học sinh, nhất là các kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ... Cần sớm rà soát quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và tham chiếu đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển nhân lực theo sau.
Cấu trúc kinh tế của thành phố sẽ ưu tiên cho những ngành kinh tế nào: sơ cấp, thứ cấp, cấp 3 hay cấp 4, để có dự báo và phân bổ nguồn lực cho phát triển nhân lực theo các lĩnh vực trên hợp lý và hiệu quả. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường ĐH và với các viện nghiên cứu về thực chất để phát huy sức mạnh tổng hợp quản lý tri thức hiệu quả.
Khuyến khích các tập đoàn, công ty lớn tài trợ học sinh, sinh viên xuất sắc để bảo trợ nuôi dưỡng các nhân tài STEM khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường để có nhân lực tốt góp phần thúc đẩy cạnh tranh của chính các tập đoàn kinh tế. Cuối cùng, các cơ quan tham mưu giúp việc cho Đảng bộ TPHCM và UBND các cấp cần đủ năng lực quản lý nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ quốc tế.
Chỉ khi các cơ quan đủ năng lực quản lý nhân tài thì việc phát triển nhân tài mới có ý nghĩa. Nói cách khác, cơ quan quản lý nhân lực của thành phố cũng phải có nhân sự đạt trình độ quốc tế để biết tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân tài quốc tế hiệu quả.