Kinh tế số - lĩnh vực đầy tiềm năng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khi nghĩ đến ASEAN, nhiều người từng nghĩ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú và giàu tiềm năng, là công xưởng sản xuất của thế giới.
Tuy nhiên, trong làn sóng của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, ASEAN ngày nay còn được biết đến là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới. Chính công nghệ cao và nền kinh tế số mới là những lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN với dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, lên tới trên 200 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Thủ tướng, những cơ hội cuộc CMCN 4.0 mang lại cho các nước ASEAN là vô cùng lớn, đó là: tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn (điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm); tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới; phát huy các DNNVV - xương sống của các nền kinh tế ASEAN - và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới.
Tuy nhiên, những thách thức ASEAN phải đối mặt cũng rất lớn. Điều nhận thấy rõ là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 56% số việc làm của 5 nước ASEAN có khả năng chuyển sang trí tuệ nhân tạo và robot, do đó có nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên công xưởng châu Á truyền thống của các nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab và
các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung.
các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung.
Đứng trước những cơ hội và thách thức, các nước ASEAN cần đặt ra những ưu tiên của mình trên cơ sở lăng kính của cả khối. Từ cách tiếp cận này, Thủ tướng đề xuất một số ưu tiên. Về kết nối và chia sẻ dữ liệu, Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN tăng cường kết nối số trong tổng thể kết nối ASEAN, trong đó chú trọng phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, chính phủ điện tử… Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến về xây dựng các quy tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu nhằm tạo khuôn khổ cho chia sẻ và sử dụng hiệu quả dữ liệu.
Về môi trường kinh doanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối ở phạm vi khu vực đối với các hạ tầng nền tảng về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics, Thủ tướng đề nghị cần xây dựng cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh nhằm hài hòa hóa pháp luật, quy định giữa các thành viên ASEAN để các DN ASEAN phát huy được lợi thế hiệu quả nhờ quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Thủ tướng cũng cho biết tại hội nghị WEF ASEAN, ở cấp bộ trưởng và DN, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao…
Về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng đề nghị xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia vào mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của cả khu vực; xây dựng chiến lược ươm mầm các tài năng của các nước ASEAN; hình thành kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.
Tận dụng cơ hội kết nối, vượt qua thách thức
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, nhận định các nước ASEAN có vị thế tốt để tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 nhờ nền tảng quy mô GDP của cả khối đạt 2.700 tỷ USD, lực lượng lao động trẻ có trình độ tốt và đã có những nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ số.
Đề cập đến Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ Singapore cho rằng, Singapore và Việt Nam đã có những thành tựu trong kết nối. Singapore đã đầu tư 11 tỷ USD với 800 DN, tạo ra công ăn việc làm cho 200.000 lao động… Sự kết nối này được Thủ tướng Singapore đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng, và sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ cuộc CMCN 4.0.
Còn theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, CMCN 4.0 đang tạo ra hiệu suất ngày càng cao hơn. Sự tiến bộ về công nghệ đã cho phép tiết kiệm, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn; giúp giảm chi phí cho sản phẩm, dịch vụ khiến rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn với người thu nhập thấp.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, cho rằng sự tiến bộ về công nghệ dựa trên trí tuệ thông minh, sử dụng người máy, công nghệ sinh học... đã đem lại sự thay đổi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, những khó khăn các nước khu vực cũng có thể gặp phải về trình độ giáo dục; thiếu khung pháp lý đủ mạnh bảo vệ sự an toàn của số liệu, dữ liệu...
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cũng đồng tình với quan điểm CMCN 4.0 là cơ hội chưa từng có để phát triển về khoa học - công nghệ, giúp các quốc gia, DN tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh và hội nhập… Tuy vậy, sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức, như khoảng cách phát triển hay an ninh mạng. Vì vậy, ông cho rằng ASEAN cần tiếp tục duy trì tính trung tâm, thống nhất…
Chia sẻ về hành động của Thái Lan, Phó Thủ tướng Prajin Juntong, cho biết CMCN 4.0 là một bước ngoặt lớn trong cách sống, làm việc và kinh doanh tại Thái Lan. Vì vậy, Thái Lan đã xây dựng một chính sách 4.0, hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới - sáng tạo, tập trung phát triển nhân lực và các ngành công nghiệp mục tiêu.