Tập trung đầu tư lĩnh vực then chốt phát triển TPHCM

(ĐTTCO)-Nguồn lực là hữu hạn, không thể dàn trải nguồn lực nên cần chọn những chương trình có tính then chốt để tập trung đầu tư, giải quyết nhằm đột phá phát triển. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, phát triển công nghệ gắn với đào tạo và chuyển giao công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ số đồng bộ là 3 vấn đề cần ưu tiên nhất để TPHCM phát triển đột phá thời gian tới.
Thực hành thí nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thực hành thí nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

3 trụ cột quan trọng

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu “xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước”. Để thực hiện được mục tiêu này, TPHCM cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, viễn thông, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN). 

Nhìn lại 5 năm qua, dù TPHCM có nhiều nỗ lực nhưng kết quả đầu tư, nhất là các dự án hạ tầng giao thông chưa đạt như kết quả mong muốn, mà nguyên do lớn là thiếu nguồn lực. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, TPHCM lại phải phân tán tài chính, nhân lực chỉ đạo và thực hiện nên nhiều chương trình đột phá chưa thể đạt được 100% chỉ tiêu nhiệm vụ.
Vì vậy, trong giai đoạn 2020-2025, TP cần thu gọn các chương trình đột phá và tập trung vào 3 chương trình trụ cột: phát triển cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng TP thông minh; cải cách hành chính gắn với nâng cao chất lượng quản trị nhà nước; phát triển KH-CN gắn với nâng chất đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ. 

Đối với chương trình phát triển cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng đô thị thông minh, cần tập trung xây dựng hạ tầng giao thông công cộng gắn với công nghệ số, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển, giao tiếp và doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, chuyển đổi công nghệ số. Khi thực hiện, cần chú ý xử lý các vấn đề ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị và lựa chọn giải pháp công nghệ số để đầu tư phát triển.

Khi các dự án hạ tầng gắn với công nghệ số được đầu tư xây dựng, nâng cấp sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân làm ăn. Lúc đó, TPHCM sẽ dễ dàng thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, nhân tài, các đơn vị nghiên cứu KH-CN, các nhà đầu tư trung tâm thương mại, tài chính trên toàn cầu.

Sáng tạo cơ chế thúc đẩy liên kết

Quy hoạch hạ tầng của TPHCM đã có, nhưng trong thực hiện có nhiều dự án kéo dài, thậm chí một vài dự án đầu tư dang dở. Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế giải ngân vốn và quyết toán theo cơ chế chung của cả nước với nhiều đầu mối liên quan từ Trung ương đến TPHCM. Do đó, TPHCM cần tiếp tục kiến nghị Trung ương có cơ chế riêng trong thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng theo hướng giảm các đầu mối liên quan trong quy trình, nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Mặt khác, khi cơ chế đấu thầu, giải ngân vốn và quyết toán nhanh gọn, hướng về mục tiêu hiệu quả (không nặng về thủ tục hành chính) cũng dễ dàng thu hút các nhà thầu có năng lực. Bên cạnh đó là kiện toàn và thu hút nhân tài lĩnh vực quản trị dự án công, nhằm đảm bảo các dự án được đầu tư đúng mục tiêu chất lượng, tiết kiệm ngân sách và tiến độ.

Từ trước đến nay, TPHCM luôn là trung tâm KH-CN và đào tạo nhân lực bởi quy tụ đông đảo các trường, viện nghiên cứu KH-CN và giáo dục. Các địa phương khác thường tiếp nhận chuyển giao công nghệ và nguồn nhân lực từ TPHCM. Để đảm nhận tốt hơn vai trò đó, TP cần những chính sách khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, đào tạo phối hợp với doanh nghiệp để phát triển giải pháp công nghệ mang tính ứng dụng và thương mại cao.

Nghiên cứu công nghệ và đào tạo cần sự tham gia của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm KH-CN, giáo dục - đào tạo. Muốn vậy, TP cần sáng tạo cơ chế thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với trường/viện trong nghiên cứu KH-CN và đào tạo.

Cải cách hành chính là một chương trình lớn đã được triển khai liên tục qua nhiều nhiệm kỳ. Kết quả mang lại cũng khá tốt theo hướng ứng dụng công nghệ số trên các lĩnh vực. Song mức độ còn hạn chế, chưa đồng bộ và chưa kết nối giữa các ngành.

Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nâng cấp số hóa và thực hiện thủ tục hành chính theo hướng kết nối dữ liệu giữa các ngành. Đây cũng là cơ sở hạ tầng quan trọng tiến đến xây dựng thành phố thông minh.

Khuyến khích lập quỹ tư nhân về KH-CN

Việc liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường đã được TPHCM đề cập nhiều năm nay nhưng kết quả còn hạn chế bởi nguồn vốn tài trợ cho các chương trình là từ ngân sách. Sử dụng ngân sách phải tuân thủ quy trình, thủ tục quy định, gây khó khăn cho đơn vị thụ hưởng. Các nhà khoa học và doanh nghiệp không am hiểu, không có kỹ năng thực hiện các thủ tục phức tạp nên họ không mặn mà với các chính sách hỗ trợ.

Để hiện thực hóa chủ trương liên kết doanh nghiệp với nhà trường trong nghiên cứu KH-CN và đào tạo, cần khuyến khích thành lập các quỹ tư nhân về KH-CN - tạo lập qua sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Quỹ hoạt động theo tôn chỉ đầu tư phát triển KH-CN và đào tạo. Là quỹ tư nhân nên hoạt động theo cơ chế riêng, thuận lợi hơn cho đơn vị thụ hưởng. Cơ chế thông thoáng sẽ khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào hoạt động liên kết.

Các tin khác