(ĐTTCO) - Nhiều năm qua, trong số các sản phẩm trái cây xuất khẩu của Việt Nam, có tới 70% xuất sang Trung Quốc.
Riêng 9 tháng năm 2017, lượng xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng ở mức 60% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy thị trường Trung Quốc rất lớn, bên cạnh đó lại gần về mặt địa lý đối với Việt Nam, vì vậy rất thuận lợi cho việc xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như rau quả tươi.
Hiện Trung Quốc đã đầu tư xây dựng kho chứa trái cây tươi, với công suất 8,000 tấn/ngày sẵn sàng nhập hàng từ Việt Nam từ tháng 8-2017. Trong khi đó, Thái Lan - nước đang dẫn đầu trong xuất khẩu trái cây vào thị trường Trung Quốc - có chính sách thu hẹp sản xuất đại trà, hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc nên thị trường rộng lớn này thiếu hàng. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu mặt hàng này sang nước láng giềng.
Cơ hội là vậy nhưng Việt Nam lại mua trái cây Thái Lan để xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, tính đến hết tháng 8-2017, trong giá trị 817,9 triệu USD rau quả người Việt bán cho Trung Quốc, đến 72,6% có nguồn gốc Thái Lan. Vì sao lại có chuyện trái cây Thái Lan mượn đường Việt Nam để sang Trung Quốc và phần người Việt được hưởng chỉ là công xuất khẩu hộ. Theo lý giải của các cơ quan chức năng, Thái Lan có nhiều mặt hàng trái cây cả về chất lượng và hình thức đều khá hơn Việt Nam nên có tình trạng doanh nghiệp tạm thời chưa quan tâm đến việc liên kết với nông dân để có sản phẩm tốt mà nhập về để xuất tiếp sang nước khác “ngon ăn” hơn.
Thực tế Việt Nam có tiềm năng và lợi thế sản xuất trái cây với nhiều loại quả ngon cho giá trị cao nhưng một số trái cây chúng ta chưa sản xuất đủ nhu cầu xuất khẩu. Trong thời buổi kinh tế mở cửa, việc xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa giữa các nước là điều hoàn toàn bình thường. Việc cấm cản nhập khẩu mới là điều bất thường, khi chính sản phẩm của các nước đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, kiểm dịch. Doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc đáp ứng, dù cho phải nhập hàng của nước khác. Bên cạnh đó, một số mặt hàng trái cây Việt Nam có thời điểm chưa vào vụ thu hoạch, doanh nghiệp buộc phải nhập của Thái Lan để đảm bảo hợp đồng và cam kết cung cấp đều đặn cho đối tác.
Điều đáng nói là việc nhập khẩu trái cây từ Thái Lan để xuất qua Trung Quốc đang làm méo mó số liệu thống kê, không nêu rõ được bản chất xuất nhập khẩu. Đó là việc nhiều doanh nghiệp Việt tăng nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó thay đổi tem, nhãn mác để xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan được được thống kê theo loại hình "nhập kinh doanh" và khi xuất sang Trung Quốc sẽ được kê khai là "xuất kinh doanh".
Tuy nhiên, các số liệu này không được coi là "tạm nhập tái xuất" mà vẫn được ghi nhận vào thống kê chung, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nội địa không chính xác. Khi đó, công tác dự báo thị trường để gợi ý cho trồng trọt, sản xuất - kinh doanh, quản lý thị trường xuất nhập khẩu… sẽ không hợp lý. Từ đó tạo ảo tưởng thành tích xuất khẩu lớn, có nguy cơ dẫn đến trồng trọt, sản xuất tràn lan rồi đầu ra lại ách tắc, rơi vào tình trạng ế ẩm như nhiều lần đã xảy ra.
Nước ta có rất nhiều giống trái cây thế mạnh như xoài cát chu, bưởi da xanh, vú sữa, sầu riêng Ri6… Song hạn chế là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên không tạo được sản lượng ổn định để xuất khẩu được quanh năm. Đặc biệt, gói hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ đồng của Chính phủ đang tạo sự hứng khởi trong đầu tư công nghệ chế biến, sản xuất để xuất khẩu.
Vấn đề đặt ra là cần làm tốt khâu tổ chức sản xuất, hình thành các tổ đội hợp tác, liên kết nhiều nhà, sản xuất lớn theo chuỗi khép kín… để giảm giá thành, nâng cao chất lượng. Có vậy mới chấm dứt tình tạng “xuất khẩu hộ”, mới xuất khẩu được trái cây đến các thị trường khó tính.