Thanh tra các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

(ĐTTCO) - Hiện một số tỉnh, thành đã lập đoàn thanh tra liên ngành, thực hiện cao điểm thanh kiểm tra xử lý các vi phạm về bảo hiểm xã hội của Bộ LĐTBXH.
Thanh tra các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

3 đoàn thanh tra liên ngành đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thành lập, tiến hành kiểm tra tại 20 đơn vị chậm đóng BHXH.

Một doanh nghiệp gia đình có 6 lao động chủ yếu là bà con thân thích, nhưng số nợ BHXH lên tới gần 700 triệu đồng. Khi đoàn thanh tra đến công bố quyết định thanh tra, chủ doanh nghiệp bỏ đi, không hợp tác. Đoàn thanh tra phải mời công an khu vực đến chứng kiến, lập biên bản xử lý sai phạm.

Với các đoàn thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chậm đóng bảo hiểm xã hội, tình hình cũng tương tự.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập nhiều đoàn thanh tra để đôn đốc, xử lý các trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH. Sau kiểm tra, nhiều đơn vị đã cam kết lộ trình đóng bảo hiểm, ưu tiên tách đóng cho một số trường hợp để người lao động kịp thời hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản.

Với sự vào cuộc của các đoàn thanh tra, đến đầu tháng 6 năm nay, đã giải quyết các chế độ cho 81 nghìn người trên tổng số hơn 200 nghìn người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp chậm hoặc nợ đóng BHXH.

Người lao động đi làm, ngoài việc lĩnh lương trang trải cuộc sống thường nhật, họ còn trông đợi vào số tiền đóng bảo hiểm xã hội để tuổi già có thể an tâm phần nào với đồng lương hưu. Nhưng quyền lợi của họ đang bị vi phạm nghiêm trọng. Mấy năm gần đây, số nợ bảo hiểm mới phát sinh tăng, còn số nợ cũ thì ngày càng dày thêm.

Năm 2021, số nợ bảo hiểm xã hội là hơn 8.400 tỷ đồng. Năm 2022 tăng lên hơn 8.500 tỷ đồng. Còn tính đến cuối tháng 5 năm nay, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là hơn 15.800 tỷ đồng, chiếm hơn 3% số tiền phải thu.

Bên cạnh tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội thì có một thực tế, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh và suy thoái kinh tế thế giới dẫn tới nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội ngày càng tăng.

Thiếu hụt đơn hàng, nợ bảo hiểm xã hội gia tăng

Đơn hàng giảm, nhiều dây chuyền để không, gần một năm qua, Công ty TNHH May mặc Trọng Phú, Nghệ An phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng để chờ những tín hiệu mới từ thị trường. Doanh thu giảm sâu dẫn đến doanh nghiệp không còn đủ khả năng cân đối tài chính để đóng BHXH đúng thời gian quy định. Đến thời điểm này, số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp đã lên tới gần 3,8 tỷ đồng.

Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu, từ một năm nay Công ty Cổ phần Nam Tiệp, Nam Định cũng thiếu hụt đơn hàng. Việc làm, thu nhập của 300 lao động bị cắt giảm. Tình trạng công ty chậm nộp BHXH từ 1 đến 2 tháng cũng diễn ra thường xuyên hơn.

Trong hơn 2 năm dịch COVID-19, Chính phủ đã đồng ý để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên đến nay, chính sách này đã hết hiệu lực.

Quý IV năm nay được dự báo vẫn còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động. Vì vậy, bên cạnh việc đốc thúc các doanh nghiệp hoàn thành số tiền BHXH phải đóng thì cũng cần có giải pháp tháo gỡ cho những doanh nghiệp thực sự khó khăn.

Sửa Luật để hạn chế nợ bảo hiểm xã hội

Vì sao nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật nhưng nhiều năm qua, tình trạng này vẫn không cải thiện nhiều? Luật BHXH hiện hành trao quyền cho công đoàn khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng BHXH ra tòa án. Nhưng sự chồng chéo trong các luật khiến hầu như chưa có vụ nào bị xử lý dù cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố gần 400 vụ. Một nửa trong số này cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Các tin khác