Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương  Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2020.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư theo các dự án được quy hoạch trong 10 năm tới đến 5.900-6.100 nghìn tỷ đồng (tương đương 295-305 tỷ USD); tính theo giá thực tế khoảng 9.500-9.700 nghìn tỷ đồng (tương đương 385-395 tỷ USD).

Dự kiến trong giai đoạn này khả năng huy động vốn đầu tư cho phát triển toàn xã hội đạt 17.400-17.900 nghìn tỷ đồng (mức huy động theo dự báo chiếm 33,5% đến 35% GDP). Với tổng mức huy động trên, phần dành cho cơ sở hạ tầng chỉ có thể 5.300-5.350 nghìn tỷ đồng, tức chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch.

Báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban soạn thảo đề án cho rằng nếu không có đột phá về cơ chế, chính sách huy động và sử dụng nguồn lực sẽ khó thực hiện được mục tiêu quy hoạch đã đề ra.

Vì thế, một trong những kết luận được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XI nhấn mạnh là tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng 10 năm tới.

Trung ương đã chỉ rõ những định hướng phát triển 10 lĩnh vực hạ tầng chủ yếu, trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng đô thị, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, trong những năm tới, Chính phủ xác định cắt giảm đầu tư công, thay vào đó huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng theo các hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), hợp tác công - tư (PPP)…

Thời gian qua, do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa hấp dẫn nên thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng theo các hình thức trên còn rất hạn chế. Để triển khai thành công chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về đầu tư.

Qua đó, tạo được môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn, thuận lợi đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, có cơ chế, chính sách bảo đảm lợi ích thỏa đáng cho nhà đầu tư để huy động mọi nguồn lực xã hội.

Huy động được nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng là bài toán khó, nhưng hóa giải được mâu thuẫn tăng đầu tư mà không ảnh hưởng tới nền tảng kinh tế vĩ mô, đến chủ trương phát triển bền vững của đất nước lại càng khó hơn.

Trong những năm qua, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào đầu tư và thâm dụng lao động được cho là kém hiệu quả. Thực tế lạm phát cao vài năm gần đây cũng có nguyên nhân từ việc huy động vốn đầu tư quá lớn nhưng sử dụng không hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, không có con đường nào khác ngoài việc phải tháo gỡ các điểm nghẽn về kinh tế - xã hội, trong đó có cơ sở hạ tầng yếu kém.

Vì thế, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án cơ sở hạ tầng của đất nước là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra. Muốn vậy, trước hết cần nhận thức và phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của Nhà nước, thị trường và các thành phần kinh tế - xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Lâu nay, do nhiều nguyên nhân, đầu tư công phát huy hiệu quả rất thấp và điều này đã ảnh hưởng tới hiệu quả chung trong đầu tư toàn xã hội. Chủ trương tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công cần được thực hiện quyết liệt trong thời gian tới để tạo ra những chuyển biến mới.

Vấn đề cần dũng cảm nhìn nhận là cơ chế vận hành đầu tư công hiện nay đang bị chi phối bởi “tư duy nhiệm kỳ” và “chủ nghĩa thành tích”. Đây chính là những nút thắt cần có sự cải cách mang tính đột phá để tái cơ cấu đầu tư công.

Đồng thời, sớm ban hành Luật Đầu tư công với các biện pháp chế tài nghiêm khắc (tuân thủ nguyên tắc hợp đồng)… Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm khắc phục là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong ngành xây dựng cơ bản.

Chính vì thế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra yêu cầu đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và tăng cường kỷ cương, kỷ luật thi hành luật pháp, chính sách về đầu tư, xây dựng, đấu thầu trong thời gian tới.

Các tin khác