Dù vốn còn lớn nhưng nguồn tín dụng này cũng chỉ cấp cho những DN đủ tiêu chí theo quy định, các DNNVV rất khó đạt được. Trong bối cảnh đó, những nguồn hỗ trợ khác như vốn rẻ, vốn vay tín chấp là kỳ vọng của rất nhiều DN để có thể theo đuổi con đường NNCNC. Song muốn tiếp cận những nguồn vốn này, DNNVV cần phải thay đổi tư duy hoạt động
Ông ĐẶNG ĐỨC HUY, Giám đốc Khối NH Bán lẻ SCB
Cần tham gia vào chuỗi giá trị
Năm 2016, lần đầu tiên ngành NN vượt qua dầu thô về doanh thu xuất khẩu. Ngành NN có 3 phần chính là nông sản, thủy sản và lâm sản, với nông sản xuất khẩu rau củ quả đạt 2,5 tỷ USD, trong khi lúa gạo xuất khẩu chỉ 2 tỷ USD. Đó là lý do SCB định hướng tập trung vào NNCNC, đặc biệt là ngành rau củ quả. Tuy nhiên, để hỗ trợ các DN kinh doanh trong ngành rau củ quả khó hơn so với lúa gạo, vì sản phẩm tươi, không trữ được.
Chẳng hạn thanh long đỏ của Việt Nam tuy ngon, nhưng trong quá trình xuất sang Trung Quốc nếu đến cửa khẩu nằm đó 5 ngày, gần như lô hàng chỉ còn khoảng 40% giữ được độ tươi và phải bỏ đến 60%. Do đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực này muốn tiếp cận được vốn phải tham gia vào chuỗi giá trị.
Để giải quyết bài toán này, tháng 5-2018, SCB đã ký hợp tác chiến lược 3 bên với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế NN hữu cơ, nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dành cho các hợp tác xã thành viên. Việc ký kết với 2 tổ chức này là để hình thành nên chuỗi giá trị NNCNC.
Khi nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sẽ được tiếp nhận công nghệ từ Trung tâm hỗ trợ nông dân (được thành lập bởi Liên minh Hợp tác xã), và ký kết hợp đồng đầu ra với các nhà máy có hợp đồng xuất khẩu.
Ngoài ra, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật trong Liên minh Hợp tác xã còn làm đầu mối liên kết các nông dân để mua con giống, phân bón với giá rẻ hơn, đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng yêu cầu của nhà máy, thị trường xuất khẩu. Khi nông dân tham gia vào chuỗi giá trị, tài chính cũng tham gia vào chuỗi đó.
Cụ thể, NH sẽ sẵn sàng cấp vốn vay không có tài sản đảm bảo mà cấp vốn trên quyền phải thu. NH không giải ngân tiền mặt vì nông dân phải mua con giống, phân bón của nhà máy. Tiền sẽ giải ngân vào những hoạt động đó. Theo đó, nếu các DN sản xuất NNCNC có nhu cầu vay vốn tín chấp, NH hoàn toàn có thể kết nối DN với 2 tổ chức trên để kết nối mạng lưới nông dân, tham gia vào chuỗi giá trị, và từ chuỗi giá trị đó NH hoàn toàn có thể cung cấp tín dụng tín chấp cho DN.
Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM
Mở rộng phạm vi tìm kiếm vốn
Hiện nay, ngoài các chương trình hỗ trợ tín dụng chung cho cả nước, TPHCM cũng có chương trình riêng hỗ trợ vốn cho DN, nổi bật chương trình kết nối NH-DN. Để thực hiện chương trình, UBND TPHCM đã giao 9 đầu mối thực hiện và trong 6 năm qua đã cho vay hơn 927.900 tỷ đồng.
Trong 2 năm đầu, chương trình chỉ tập trung các DNNVV, sau đó theo yêu cầu của lãnh đạo TPHCM và các đầu mối, đặc biệt là UBND các quận huyện, NHNN chi nhánh TPHCM đã mở rộng ra các lĩnh vực kể cả tiểu thương ở chợ đầu mối, nông dân hoạt động trong lĩnh vực NN nông thôn. NHNN chi nhánh TPHCM luôn tổ chức chương trình kết nối NH-DN cho các huyện ngoại thành và hàng năm rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực NNCNC, NN sạch được tiếp cận vốn.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, các NH đã hỗ trợ gần 3.000 tỷ đồng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực NN nông thôn đặc biệt là NNCNC, NN sạch. Do đó, các DN trong lĩnh vực này cần vốn có thể liên hệ với UBND huyện, cụ thể là phòng kinh tế huyện hoặc liên hệ trực tiếp với NHNN chi nhánh TPHCM để tiếp cận vốn ưu đãi.
Về vốn tín dụng tín chấp cho NN, tháng 6-2015, Chính phủ đã có Nghị định 55 về chính sách tín dụng NN nông thôn và NHNN cũng ban hành Thông tư 10 để hỗ trợ. Theo đó, các hoạt động sản xuất NN nông thôn được các NH cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng, nếu không xét về uy tín hay tín dụng nội bộ.
Nhưng ngược lại DN phải gửi NH giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ). Đó không phải là tài sản thế chấp mà là một cách để quản lý, để người vay có trách nhiệm với khoản vay không thể cầm giấy đỏ đi thế chấp vay ở nhiều NH. Khi người vay không trả được nợ NH, NH cũng không được đem giấy đỏ đó xử lý như tài sản đảm bảo. Đó là một cơ chế đang hỗ trợ đối với lĩnh vực NN nông thôn.
Về nhu cầu tiếp cận vốn NH không có tài sản đảm bảo, thực chất NHNN cho phép NHTM được quyền thực hiện cho vay không có tài sản đảm bảo, nhưng quyền quyết định của NHTM. Để triển khai hình thức này, dĩ nhiên NH cũng đưa ra các điều kiện chặt chẽ, quan trọng nhất là được xếp hạng tín dụng nội bộ là DN tốt. Muốn xếp hạng tín dụng tốt, DN cũng phải có một quá trình quan hệ vay gửi với NH đảm bảo được uy tín, không có nợ xấu, sử dụng vốn đúng mục đích.
Ông ĐỖ TẤN TRÚC, Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM
Muốn vay tín chấp phải “chung thủy”
Các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực NNCNC hiện nay có nhu cầu vay tín chấp rất lớn. Tuy nhiên, muốn vay tín chấp, DN phải có quan hệ với NH một thời gian. Bởi vì DN có vay NH mới biết đến DN. Hơn nữa, khi vay mới tạo ra lịch sử vay vốn, NH nhìn vào đó để xét duyệt. Một điểm đáng chú ý nữa là các DNNVV ở Việt Nam có một đặc điểm chạy theo lợi ích trước mắt, đánh mất cái lợi lâu dài.
Cụ thể, DNNVV có tâm lý thích lãi suất vay rẻ nên nay chạy theo NH này, mai chạy theo NH kia, không gắn kết với một NH nào. Nói nôm na là DNNVV chưa “chung thủy”, nên các NH cũng không thể cho vay tín chấp. Đây là những điểm cần lưu ý nếu muốn tiếp cận vốn không có tài sản đảm bảo.
Ngoài vốn NH, TPHCM cũng có rất nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với DN, nhiều khoản vay không tính lãi, hoặc hỗ trợ 50% lãi vay NH, đặc biệt là các lĩnh vực NN, công nghiệp phụ trợ…
Tuy nhiên, nhiều DN không biết rõ các chương trình này, do đó đã không tiếp cận các nguồn vốn rẻ này. Hiện tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng đang tư vấn, kết nối cho nhiều DN để tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn nên DN có thể liên hệ để được hỗ trợ.