Thay vì tạo nguồn thu, nghị quyết mới cho TPHCM nên thu hút nguồn lực

(ĐTTCO) - Một trong những nội dung dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội cho TPHCM, nếu được thông qua sẽ tháo gỡ khá nhiều điểm nghẽn trong lĩnh vực đô thị.

Quy định NoXH hiện nay có thời gian giải quyết hồ sơ gấp đôi NoTM. Do vậy rất cần Nghị quyết mới để tinh giảm thủ tục.
Quy định NoXH hiện nay có thời gian giải quyết hồ sơ gấp đôi NoTM. Do vậy rất cần Nghị quyết mới để tinh giảm thủ tục.

Rút ngắn thủ tục đầu tư NoXH

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng để phát triển nhà ở xã hội (NoXH) tạo chỗ ở, chốn an cư cho người lao đông thu nhập thấp, công nhân, Chính phủ đã xây dựng đề án 1 triệu căn NoXH, trong khi TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 35.000 căn NoXH. Tuy nhiên, thời gian qua chương trình phát triển NoXH chưa thu hút nguồn lực xã hội để phát triển như kỳ vọng, do còn nhiều điểm nghẽn. Vì thế, trong dự thảo NQ thay thế NQ54 có 4 chính sách trình Quốc hội xem xét ban hành:

Thứ nhất, công tác quy hoạch chi tiết NoXH được lập đồng thời với lập đồ án quy hoạch chi tiết, cũng như lấy ý kiến cộng đồng dân cư để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho dự án.

Thứ 2, chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án NoXH với các quy định về quy hoạch kiến trúc được quy định trong NoXH mà pháp luật cho phép, tức rút ngắn được 1 thủ tục. Bởi hiện nay các quy định pháp luật về NoXH có thời gian giải quyết hồ sơ gấp đôi dự án nhà ở thương mại (NoTM).

Do vậy tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu chưa phù hợp với quy hoạch chung, thì cho phép thực hiện theo quy hoạch chung và các chỉ tiêu về sử dụng đất, sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án NoXH.

Thứ ba, việc quy hoạch các quỹ đất NoXH trong các dự án NoTM (hiện nay TPHCM có 33 dự án NoTM phải dành 20% diện tích cho NoXH), NQ thay thế cho phép TP phê duyệt quy hoạch cũng như bố trí NoXH trong phạm vi dự án NoTM, hoặc phê duyệt quy hoạch bố trí quỹ nhà đất NoXH ở vị trí khác.

Có nghĩa, trong dự án NoTM, nhà đầu tư có thể đề xuất để TP bố trí quỹ đất khác đã được TP phê duyệt. Quy định này sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất để hoán đổi quỹ đất NoXH tại các dự án NoTM.

Thứ tư, làm rõ hình thức kế hoạch sử dụng đất để phát triển NoXH. Theo đó, nếu nhà đầu tư sở hữu đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch về xây dựng, quy hoạch về đô thị, sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch, cũng như đưa vào đầu tư NoXH theo đề xuất của doanh nghiệp.

Thúc đẩy tạo quỹ đất thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết, các doanh nghiệp được khảo sát về khả năng cạnh tranh cho rằng việc tiếp cận đất đai đang là vấn đề khó khăn nhất. Vì thế, NQ mới nếu thông qua sẽ khắc phục điểm yếu này để thu hút nhà đầu tư. Thứ nhất, đối với TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, thu hút rất đông doanh nghiệp, ngành nghề… đầu tư vào TP. Trong khi quỹ đất dành cho phát triển kinh tế ngày càng khó khăn.

Vì thế, về giá đất và cách tính giá đất trong dự thảo nghị quyết (NQ) mới, TP đề xuất cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân thuê đất hàng năm được áp dụng hệ số bảng giá để làm sao tạo được nguồn lực. Qua đó doanh nghiệp cũng muốn công khai, minh bạch giá đất để tính vào chi phí đầu tư của mình. Trong chỉ số thành phần cũng cho rằng do tính toán giá đất chậm, một số nội dung không công khai, minh bạch dẫn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thấp.

Một nội dung nữa theo ông Thắng là công tác bồi thường, giải tỏa, tạo quỹ đất để đầu tư, NQ mới cho phép không chỉ bồi thường bằng tiền, còn được bồi thường, hoán đổi cùng loại đất và các loại đất khác. Đa dạng hóa bồi thường để làm sao doanh nghiệp có được quỹ đất nhanh nhất.

Ngoài ra, các trình tự, thủ tục thực hiện thu hồi đất hiện nay doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, dẫn đến đưa đất vào khai thác kém hiệu quả. Bên cạnh đó TP đã xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai nhằm thực hiện liên thông, công khai minh bạch, đẩy nhanh thời gian giải quyết hồ sơ.

Tạo nguồn lực tư nhân phát triển hạ tầng

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho rằng việc thu hút đầu tư tư nhân rất quan trọng với sự phát triển của TPHCM. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động đầu tư kinh doanh gặp rất nhiều vướng mắc. Vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đã tổng hợp 214 vấn đề khó khăn với các dự án đầu tư kinh doanh, chưa kể các vướng mắc liên quan đến các luật đã được nhận diện và đưa vào chương trình sửa đổi.

NQ mới đặt ra các nhóm cơ chế chính sách mới, chưa được quy định tại NQ54, như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao); cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon...

Có nhiều công trình giao thông quan trọng cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc đề xuất cho áp dụng hình thức BT bằng tiền và BOT trên đường hiện hữu phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bản thân hình thức BT không có lỗi, nhưng quá trình triển khai có vướng mắc, chưa thống nhất giữa các luật nên thực hiện chưa trôi chảy.

Sau khi NQ mới được ban hành, các bộ, ngành cùng TP sẽ thiết kế quy định để triển khai hiệu quả. TPHCM thí điểm trước để các tỉnh, thành rút ra bài học kinh nghiệm, trước khi áp dụng trên cả nước.

Thay vì tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu như NQ54, NQ mới tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới. Nếu làm tốt việc đầu tư xã hội, TP sẽ có nguồn lực đáng kể để tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới, nhất là đầu tư cho hạ tầng.

Các tin khác