Thị trường của những người “sợ lỡ cơ hội làm giàu”

(ĐTTCO) - Một loạt ván cược lớn đang được mở ở thị trường tài chính hàng đầu thế giới là Mỹ. Thống kê ngày 5-11 vừa qua cho thấy mức giao dịch kỷ lục về giao dịch hợp đồng quyền chọn ở Mỹ được thiết lập với tổng giá trị 2,6 tỷ USD. Đây là mức giao dịch lớn nhất trong 1 ngày từng diễn ra và hầu hết đều là quyền chọn mua.
Dòng tiền liên tục chảy vào TTCK do kỳ vọng thị trường tăng trưởng.
Dòng tiền liên tục chảy vào TTCK do kỳ vọng thị trường tăng trưởng.
Thống kê ngày 5-11 vừa qua cho thấy mức giao dịch kỷ lục về giao dịch hợp đồng quyền chọn ở Mỹ được thiết lập với tổng giá trị 2,6 tỷ USD. Đây là mức giao dịch lớn nhất trong 1 ngày từng diễn ra và hầu hết đều là quyền chọn mua.
Thị trường này đang được đẩy lên bởi tâm lý sợ lỡ tàu (Fear of missing out - FOMO). Trong khoảng thời gian ngắn chỉ 4 ngày, tôi nghe nhận định này đến hơn 5 lần ở những buổi thuyết trình của chuyên gia phân tích, bài nói chuyện trên truyền thông hay một câu chuyện trao đổi riêng lẻ với vài người bạn làm đầu tư ở London và Sydney.
Tờ Financial Times vào sáng 12-11 cũng chạy bài với tiêu đề “Thị trường tăng vì tâm lý FOMO” (The Fomo rally). Có thể cảm nhận rõ nhất trạng thái này qua đợt điều chỉnh ngày thứ Tư ở Mỹ và cuối tuần qua ở Việt Nam. Diễn biến cho thấy lượng cổ phiếu bán ra bị hấp thụ rất nhanh, dòng tiền bắt đáy rất mạnh.
Financial Times trích dẫn nhận định của các chuyên gia thanh toán thị trường, cho rằng phần lớn tiền đằng sau hoạt động mua các quyền chọn mua này từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo EPFR ước tính đã có 865 tỷ USD được bơm vào các quỹ đầu tư cổ phiếu trong năm nay, gấp 3 lần mức kỷ lục trước đó. Dự báo nửa cuối năm 2020 là giai đoạn tốt đặc biệt cho cổ phiếu và sẽ không lặp lại trong 2021 đã sai.
Đến thời điểm này của năm 2021 đã vượt xa mức tiền đổ vào cổ phiếu của 2020; đồng thời mức hút tiền được dự kiến còn tiếp tục, vì số liệu báo cáo lợi nhuận ở Mỹ được đánh giá khá tốt (dù một số công ty gây thất vọng nhưng do kỳ vọng quá cao, còn lợi nhuận rất tốt). Bên cạnh đó, giai đoạn công ty niêm yết Mỹ tăng mua lại cổ phiếu đang bắt đầu.
Một số nhà phân tích tỏ ra lo lắng khi có quá nhiều nhà đầu tư nhỏ đang tiến hành đặt cược với thị trường quyền chọn và đa số đều rất lạc quan. Charlie McElligott, chuyên gia phân tích thị trường phái sinh cổ phiếu của Nomura, nhận định một số nhà đầu tư đang ở thế “buộc phải tham gia cuộc chơi” vì sợ thua kém “đồng đội” và đây không phải là tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, ở thời kỳ lãi suất thấp, lạm phát cao, nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm cơ hội bảo toàn tài sản tốt và mua cổ phiếu là lựa chọn hợp lý. 
Ngoài ra, như dự báo của một số nhà khoa học, trong năm 2022 Covid-19 sẽ không còn là đại dịch toàn cầu. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư tin nhiều cổ phiếu hưởng lợi từ tiến trình mở cửa kinh tế sẽ còn tiếp tục tăng.
Trong khi đó, những cổ phiếu công nghệ, vốn có khả năng tăng giá sản phẩm, dịch vụ của mình nhanh hơn tốc độ lạm phát vì người sử dụng không có nhiều lựa chọn, cũng sẽ tăng giá trong bối cảnh lạm phát. Nói cách khác, nhiều dòng cổ phiếu đều có những lý do để được kỳ vọng sẽ tăng tiếp trong 2022 nên dòng tiền vẫn chảy vào.
Điều thú vị, trong đợt tăng vì “sợ lỡ cơ hội kiếm tiền” lần này, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân. Một số không nhỏ nhà quản lý quỹ thận trọng cũng bị cuốn vào dòng xoáy này. Trong một thảo luận với nhóm các bạn bè làm ở London, người viết nghe được câu chuyện thú vị.
Đó là quỹ đầu tư tương đối có tiếng và đang quản lý hơn trăm triệu USD đã bị buộc phải “mua hàng” trong tuần này, dù nhóm quản lý cho rằng thị trường có rủi ro. Đó là vì một số đối thủ của họ đã “xuống tiền” mấy tuần trước và đang kiếm được nhiều tiền. Áp lực so sánh (peer-pressure) buộc quỹ này cũng phải “xuống tiền” theo. Thà họ sai và thua lỗ chung còn hơn đến kỳ đánh giá hiệu quả họ bị bỏ xa bởi đối thủ. 
Thị trường của những người “sợ lỡ cơ hội làm giàu” ảnh 1
Một số nhà đầu tư cá nhân có thể đang có cùng vấn đề. Chưa hẳn không phải vì họ không thấy rủi ro, nhưng họ sợ bị mất phần, bị bạn bè bỏ lại phía sau. Thà cùng thua lỗ chứ không chịu bị mất phần, thua kém bạn bè, là tâm lý của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi đó, các nhà quản lý quỹ đầu tư chịu áp lực cạnh tranh, sợ bị ảnh hưởng sự nghiệp.
“Nếu thị trường đổ xuống, cùng thua lỗ không sao, còn nếu thị trường lên mạnh hiệu quả mình thấp lại có vấn đề” - một người bạn tôi lý giải. Tất nhiên vẫn còn có những quỹ đầu tư bình tĩnh ngồi ngoài đám đông.
Chẳng hạn, quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã nâng số tiền mặt lên hơn 149 tỷ USD và núi tiền mặt này vẫn trong xu hướng tăng vào cuối quý III vừa qua. Nhưng không phải ai cũng bình tĩnh được như vậy. 
Có một điều đa số đều đồng thuận là lạm phát của 2022 sẽ không thấp so với mục tiêu của các NHTW lớn của thế giới, chỉ là không biết cao bao nhiêu. Nếu nó lặp lại ở mức trên 6% như năm nay ở Mỹ, nghĩa là gấp 3 lần mục tiêu lạm phát dài hạn, việc đem tiền đổ vào những thứ có tính bảo toàn giá trị và tăng trưởng như cổ phiếu công nghệ, nhà đất trong tình hình lạm phát lại là hợp lý.
Tiền mã hóa đã tăng mạnh và vàng cũng đã rục rịch đà tăng cuối năm (dù giá vàng quốc tế vẫn dưới 1.900USD/ounce, điều nhiều nhà phân tích vàng vẫn cho rằng còn thấp so với rủi ro lạm phát).
Nói cách nào đó, làn sóng đầu tư chạy theo trào lưu của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí của một số quỹ đầu tư… lại có lý, chứ không chỉ chạy theo phong trào một cách mù quáng. 
Những người chạy theo con sóng hiện tại có thể mạo hiểm hơi nhiều, đặt cược quá lớn (bằng quyền chọn có đòn bẩy cao), có thể chủ quan, nhưng chắc chắn họ không hành động thiếu tính toán.
Thị trường nóng quá, nhưng vẫn còn có thể nóng hơn. Những người thận trọng sẽ vẫn chọn đứng ngoài, nhưng không vì thế người lao theo cơn sóng bị cho thiếu lý trí. Họ đơn giản khác nhau ở mức độ chấp nhận rủi ro và mức độ sợ bỏ lỡ cơ hội.
 Trong đợt tăng vì “sợ lỡ cơ hội kiếm tiền” lần này, không chỉ nhà đầu tư cá nhân, một số không nhỏ nhà quản lý quỹ thận trọng cũng bị cuốn vào dòng xoáy này. 

Các tin khác