Vùng giá kém hấp dẫn
Việc thị trường đã bứt phá nhanh kể từ cuối tháng 10 đã khiến định giá ở nhiều ngành trở nên kém hấp dẫn, thậm chí rơi vào vùng giá rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc NĐT cần lựa chọn CP cẩn trọng hơn, kết hợp với kỳ hạn đầu tư dài hơn để giảm thiểu rủi ro biến động thị trường trong ngắn hạn. Trên thực tế, việc tái định giá ở nhiều ngành đã diễn ra rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn.
Một trong nhóm ngành nhận được sự kỳ vọng từ làn sóng đầu tư công là xây dựng (vật liệu xây dựng và xây dựng hạ tầng) và bất động sản (dân dụng và khu công nghiệp).
Tuy nhiên, đa số CP thuộc các ngành nghề trên đều đã có mức tăng giá mạnh kể từ đầu năm, khiến định giá của nhiều CP cao hơn đáng kể so với mức trung bình 3 năm. Thậm chí, nhiều mã ghi nhận mức tăng 4-5 lần chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Sự sôi động của nhóm ngành này kéo theo hưng phấn của các nhóm ngành còn lại, bất chấp kết quả kinh doanh (KQKD) sụt giảm mạnh. Đây là lý do khiến thị trường đang ở mức giá kém hấp dẫn với mức P/E khoảng 17,5x.
Mức định giá này cho mức ROE 16,3% vẫn chưa đắt so với hầu hết thị trường khác trong khu vực như Ấn Độ, Philippines, hay Thái Lan. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mức định giá hiện tại có thể kém hấp dẫn hơn các thị trường cận biên khác.
Hiện phần lớn doanh nghiệp đã công bố KQKD quý III, với mức tăng trưởng tương đối tốt, dù thời gian giãn cách xã hội rơi vào thời điểm quý này. Thế nhưng, theo mức đồng thuận chung của thị trường về tăng trưởng EPS năm nay khoảng 34%, tương ứng P/E dự phóng cuối năm khoảng 16,9x.
Do vậy, với tầm nhìn đến cuối năm 2021, thị trường đang được định giá ở mức bất hợp lý và có phần kém hấp dẫn.
Nghịch lý vẫn tồn tại
Trái ngược với sự hưng phấn của thị trường là tình trạng ảm đạm của nhóm ngành ngân hàng (NH) và kho vận, dù ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý III tương đối khả quan.
Đây cũng là 2 nhóm ngành được giới phân tích đánh giá cao về khả năng được tái định giá trong những tháng cuối năm, khi tính đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự phóng trong quý IV cũng như cho năm 2022.
Lý giải về hiện tượng ngược chiều với sóng tăng thị trường của nhóm NH, các chuyên gia phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), cho rằng chính sự lo ngại về chất lượng tài sản của nhóm NH sau đợt Covid-19 thứ 4 là nguyên nhân khiến diễn biến định giá ngành không như kỳ vọng.
Tuy nhiên, việc các NH đã trích lập dự phòng mạnh tay trong quý III đã hỗ trợ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành trong các quý tiếp theo. Cùng với đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ liên quan tới thuế và lãi suất đang được kỳ vọng trong thời gian tới.
Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường vẫn đang hưng phấn, hiện tượng giá CP tăng dù KQKD đi xuống sẽ khó kết thúc trong ngày một ngày hai. Theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), xu hướng giao dịch sôi động ở nhóm CP vốn hóa nhỏ mang tính đầu cơ cao nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong những tháng cuối năm sẽ thu hút dòng tiền đầu cơ, đặc biệt của NĐT cá nhân.
Trong khi đó, nhóm CP vốn hóa lớn sẽ có sự phân hóa rõ ràng hơn giữa các CP trong cùng ngành, dựa trên tăng trưởng KQKD. Theo VDSC, với NĐT có tỷ trọng tiền mặt cao có thể cân nhắc giải ngân, khi định giá CP điều chỉnh về gần mức trung bình quá khứ hơn để có vị thế an toàn, trong khi vẫn còn rất nhiều hạng mục đầu tư công trung hạn với tổng mức đầu tư lớn đang ở phía trước.
“Chọn mặt gửi vàng”
Dù nhận định thị trường không còn hấp dẫn ở mức giá hiện tại, nhưng theo giới phân tích thị trường vẫn rất hấp dẫn trong dài hạn. Theo CTCK Miare Asset Việt Nam (MAS), tầm nhìn đến cuối năm 2022, khi các công ty phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn, mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 khoảng 24%, tương đương mức P/E dự phóng cuối 2022 khoảng gần 13,7x.
Như vậy, mức định giá hiện tại vẫn hấp dẫn trong dài hạn khi các cơ hội được mở ra với giai đoạn bình thường mới bắt đầu.
Với nhận định tương tự, CTCK VNDirect (VND) cho rằng thị trường hiện đang chuyển hướng tập trung sang phục hồi KQKD trong quý IV, cũng như triển vọng kinh doanh trong năm tới.
Do vậy, VND duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2022-2023 ở mức 21% và 18%, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, dầu khí và bất động sản. Định giá thị trường vẫn hấp dẫn với tầm nhìn dài hạn và thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền của NĐT cá nhân, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp hiện nay.
Dù không thể phủ nhận đợt bùng phát dịch Covid-19 đã để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ dần phục hồi trong những quý tới.
Trong khi đó, nhu cầu nhiều loại hàng hóa ở các thị trường nước ngoài cũng sẽ gia tăng trong mùa mua sắm cuối năm, trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng chính là những yếu tố để NĐT lựa chọn các nhóm doanh nghiệp tiềm năng.
Theo nhận định của VCBS, các nhóm ngành NĐT nên “chọn mặt mặt gửi vàng” gồm doanh nghiệp sản xuất hướng tới xuất khẩu và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cơ bản và hóa chất.
Và cuối cùng là doanh nghiệp có “câu chuyện riêng” liên quan đến hoạt động tăng vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập (M&A), niêm yết mới và chuyển sàn.
Đa số CP ngành nghề bất động sản đều đã có mức tăng giá mạnh kể từ đầu năm, khiến định giá của nhiều CP cao hơn đáng kể so với mức trung bình 3 năm. Thậm chí, nhiều mã ghi nhận mức tăng 4-5 lần chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây. |