Liệu tín dụng đang chảy vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có chứng khoán.
Tín dụng nhảy vọt chảy vào đâu?
Tín dụng đã ghi nhận mức tăng nhanh trở lại trong tháng 10. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 29-10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt xấp xỉ 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ 2020 chỉ tăng 6,48%. Trước đó vào thời điểm 7-10, tín dụng mới tăng 7,42%.
Như vậy, chỉ trong 3 tuần lễ cuối của tháng 10, tín dụng đã tăng 1,3%, tức khoảng 120.000 tỷ đồng được đẩy thêm ra thị trường. Theo tính toán của Công ty chứng khoán SSI, tại thời điểm cuối quý III, hầu hết NH đều đã chạm đến hạn mức tín dụng năm 2021. Vì vậy, SSI kỳ vọng NHNN sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các NH có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế quý III giảm sâu âm 6,2%. Dự tính cả năm với kịch bản tích cực, tăng trưởng kinh tế chỉ 1,5-2%.
Sự suy giảm nói trên đầu tiên do tổng cầu giảm, tiêu dùng người dân giảm nghiêm trọng do hàng triệu người mất việc làm khiến thu nhập giảm, hàng trăm ngàn DN giải thể phá sản.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất công nghiệp đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân đều suy giảm. Các vùng động lực tăng trưởng kinh tế TPHCM và Hà Nội đều tăng trưởng âm. Từ nhận định này có thể nói sức khỏe của DN đã xuống dốc khá nhiều.
Để rõ hơn, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48.500, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13.600 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%.
Bình quân 1 tháng có 9.700 DN rút lui khỏi thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,3% (cùng kỳ 2020 giảm 4,5%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng động lực chính của phần tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu ở DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
So sánh như vậy để thấy, việc tăng trưởng mạnh tín dụng của các NH chưa hẳn là tin vui với nền kinh tế, khi vốn đang chảy ra nền kinh tế nhưng có thể không đi vào cộng đồng DN.
Hơn nữa, nhìn dự báo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu có thể đạt gần 8% vào cuối năm. Nợ xấu đến cuối quý III tại 27 NHTM đã công bố báo cáo tài chính hơn 113.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm.
Trong bối cảnh như vậy, khả năng tiếp cận vốn của các DN rất thấp, dù nhu cầu hấp thụ rất lớn. Thực tế, nhiều DN sau giai đoạn giãn cách xã hội muốn vay vốn để phục hồi hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng không vay được vì không còn tài sản thế chấp. Vậy tín dụng tăng nhanh nhưng dòng vốn đang chảy vào đâu?
Ảnh minh họa.
Cẩn trọng rủi ro
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 khoảng 1.400 tỷ đồng, trong khi tháng 8 chỉ thu 640 tỷ đồng và tháng 9 là 685 tỷ đồng. Từ giao dịch sôi động của thị trường bất động sản có suy đoán tín dụng chảy vào lĩnh vực này không ít.
Một kênh cũng nằm trong “nghi vấn” hút mạnh tín dụng là chứng khoán, khi tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay tăng đến 12%, ước tính đạt hơn 292.000 tỷ đồng.
Đồng thời, trong tháng 10, nhà đầu tư trong nước mở mới 129.751 tài khoản chứng khoán, tăng gần 15.000 tài khoản so với tháng trước đó. Tính chung 10 tháng, nhà đầu tư trong nước mở mới 1,086 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017-2020. Đến hết tháng 10, số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 3,86 triệu tài khoản.
Còn nhớ những tháng cuối năm 2020, tín dụng cũng đã có cú vọt bất ngờ tương tự thời điểm này. Đầu tiên, NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-14%. Nhưng do tác động của dịch bệnh Covid-19, đến cuối quý I, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,31%, đến cuối quý II ở mức 3,63% và đạt 6,09% vào cuối quý III. Diễn biến đó dẫn đến dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ khoảng 8-10%.
Nhưng vào quý IV, tín dụng bất ngờ bật tăng mạnh. Ngày 21-12-2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, và trong 10 ngày cuối năm có sự bứt phá đạt mức tăng trưởng 12,13%. Tức chỉ trong 10 ngày này, tín dụng đã tăng 2%, tương đương 150.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân tín dụng tăng mạnh có rất nhiều. Theo nhiều NH, thời điểm cuối năm nhu cầu vốn tăng lên theo mùa vụ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thời điểm đó hoạt động đầu tư sôi nổi hơn khi nền kinh tế có vẻ đang hồi phục từ dịch bệnh, cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư bỏ tiền vào những tài sản đầu tư.
Trong khi các NH cũng muốn có độ tăng trưởng tín dụng tốt cho năm 2020 sau 3 quý đầu năm tăng trưởng ở mức thấp.
Đẩy mạnh tín dụng như vậy không chỉ tăng được lợi nhuận cho cả năm, còn giúp NH được cấp hạn mức tín dụng tốt hơn cho năm sau. Nhiều ý kiến cho rằng trong một loạt sự kiện trùng khớp như vậy, việc tín dụng chảy ra thị trường nhanh và mạnh cuối năm 2021 đóng góp lớn từ hoạt động vay tiền đầu tư chứng khoán.
Nhiều quan điểm cho rằng trong 292.000 tỷ đồng vốn huy động của thị trường 9 tháng năm 2021 có phần của tín dụng đổ vào trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang sôi động.
Một số liệu nữa, tuy tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán đến cuối tháng 7 chỉ tăng 1,3%, nhưng tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 6,37%, trong cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 2,25%. Nguồn này rất dễ chạy vào chứng khoán, bất động sản.
Thêm vào đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên tăng trưởng GDP ở mức 2,5 lần được cho sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng 9 tháng đầu năm tăng lên đến 5 lần, tức cần đến 5 đồng tín dụng mới tạo ra 1 đồng GDP.
Đây là biểu hiện của việc tiền chảy vào các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, tỷ lệ này càng cao có thể dẫn tới bong bóng giá tài sản.
Vì thế, gần đây nhiều khuyến cáo NHNN cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đi vào lĩnh vực rủi ro, thay vì chỉ nhìn trên số liệu do NHTM công bố.
Nền kinh tế đang cần phục hồi, nhưng DN cần tiền không vay được, trong khi NH sẵn sàng cho vay để nhà đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản mua đi bán lại. |