Kỳ vọng kênh dẫn vốn cho nền kinh tế: Chứng khoán

(ĐTTCO) - Sau hơn 20 năm ngóng trông và đợi chờ mòn mỏi, NĐT đã chứng kiến TTCK Việt Nam vượt đỉnh 1.200 điểm, lần đầu tiên trong lịch sử VN Index đạt 1.473 điểm với thanh khoản kỷ lục trên 52.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. 
Kỳ vọng kênh dẫn vốn cho nền kinh tế: Chứng khoán

Nguồn cơn về sự bùng nổ về thanh khoản đi kèm quá trình chinh phục các điểm cao mới của các chỉ số CK, cũng như kỳ vọng về sự chuyển mình lên bước phát triển mới của TTCK Việt Nam.

Gói hỗ trợ, kích thích kinh tế chưa có tiền lệ

Thông tin đang lan truyền về gói kích thích kinh tế “siêu khủng” tương ứng 800.000 tỷ đồng đã khiến TTCK nóng hơn bao giờ hết. Tâm lý NĐT hào hứng cùng với dòng tiền tham gia TTCK tăng vọt khiến nhiều nhóm CP lớn, vừa và nhỏ tăng mạnh.

Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid 19, dòng tiền lãi suất thấp dư thừa trên toàn hệ thống - NĐT thiếu các kênh đầu tư - kênh đầu tư CK trở lên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Vô hình chung, những gói hỗ trợ kinh tế đi kèm với mặt bằng lãi suất ở mức thấp đã khiến TTCK trở nên “ăn khách”.

Trong bốic ảnh này, các doanh nghiệp (DN) nói chung và DN niêm yết nói riêng, cho dù đang gặp khó hay đang ăn nên làm ra, cũng có những triển vọng tương lai hứa hẹn hơn.

Sóng tăng điểm của TTCK đôi khi đến từ những kỳ vọng về tương lai tươi sáng của thị trường cũng như của DN trong giai đoạn tiếp theo, dù có thể không chắc chắn. Sự kỳ vọng lớn về nền kinh tế được hỗ trợ để vượt qua đại dịch đã khiến NĐT xuống tiền mạnh tay hơn, khi các DN tốt xấu đều nhận được sự chào đón của NĐT có kinh nghiệm hoặc chưa hề có kinh nghiệm, miễn CP đó tăng giá. Làn sóng đầu tư, dòng tiền đầu cơ vào các CP chuyển dịch từ những kênh đầu tư kém hấp dẫn như vàng, ngoại tệ, đôi khi là bất động sản để chuyển dịch sang TTCK.

Quá trình vượt đỉnh của TTCK chỉ là vấn đề thời gian và “cơn say” CK dường như mới chỉ bắt đầu.

Môi trường kinh doanh thay đổi - hành vi NĐT

TTCK Mỹ cũng đã có những sóng tăng điểm mạnh thập kỷ 80 và 90. Sự bùng nổ vượt các đỉnh mới lên vùng 36.400 điểm ở tuần đầu tiên tháng 11 vừa qua, đã vượt mọi suy đoán của các NĐT. Có những yếu tố mới làm thay đổi môi trường đầu tư - hành vi NĐT đã thay đổi khi tự tin giải ngân hơn vào TTCK.

Đã có những giai đoạn 50, 60 khi rất ít NĐT Mỹ quan tâm đến TTCK, bây giờ con số đó đã thay đổi rất nhiều. Làn sóng bình thường mới, hiệu ứng đến từ truyền thông, sự xuất hiện mạng internet đã khiến quá trình đầu tư được rút ngắn, quyết định đầu tư được tính bằng phút, bằng giây.

Từ Phố Wall cho đến TTCK Việt Nam đều phải phải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trước khi vượt đỉnh lên các điểm cao mới. Nhìn quá trình diễn biến của chỉ số DJ, VN Index hay các chỉ số CK khác trên thế giới, đó là quá trình tăng trưởng trong dài hạn, trong đó có giai đoạn “biến động mạnh, điều chỉnh lớn” để phát triển cao hơn.

Số liệu thống kê cho thấy số lượng NĐT cá nhân trên TTCK Việt Nam đã tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây. Có lẽ con số 4 triệu, 5 triệu hay tương lai 10 triệu NĐT cá nhân sẽ không phải nằm mơ mới thấy, hay số lượng NĐT tổ chức ngày càng nhiều, các quỹ đầu tư đón đầu làn sóng nâng hạng TTCK giai đoạn 2022-2025 sẽ đông hơn.

Công nghệ mở tài khoản định danh EkYC, các phần mềm giao dịch nhanh, hiện đại, tiện lợi sẽ giúp NĐT gia nhập và đầu tư hiệu quả hơn TTCK. Quá trình phổ cập kiến thức, hiểu biết TTCK của NĐT thông qua các phương tiện truyền thông được cải thiện. NĐT cũng tự tin giải ngân hơn khi có hiểu biết hơn, cũng như có sự say mê hơn “trò chơi kinh doanh CK”, khi chỉ ngồi một chỗ với chiếc điện thoại thông minh có thể giao dịch kiếm tiền.

Thiên nga đen “Covid 19” khiến TTCK bùng nổ

Số lượng người thất nghiệp gia tăng, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng lớn, dòng tiền dư thừa thiếu kênh đầu tư… là những hệ quả của đại dịch Covid 19 đến nền kinh tế Việt Nam.

Nếu giai đoạn bùng nổ làn sóng CK 2006-2007 là sự kiện gia nhập WTO của Việt Nam, hay giai đoạn “bơm tiền” hỗ trợ kinh tế 2009 cũng như làn sóng cổ phần hóa DNNN, hay đón đầu sóng nâng hạng thị trường 2016-2018, cũng khiến TTCK từng có những bước tăng điểm ấn tượng.

Nhưng những con sóng CK trong quá khứ không là gì đối với con sóng đang kéo dài hiện nay tính từ đầu tháng 4 2020. Từ nhóm CP blue chips bùng nổ đến các nhóm CP thép, ngân hàng, CK, bảo hiểm, bất động sản, dầu khí, kể cả các DNNVV ít tên tuổi đều nhận được sự chào đón của NĐT.

Giai đoạn quý II, III và cả năm 2020 TTCK có thể nói tăng điểm trong nghi ngờ và đôi khi vẫn bị biến động mạnh do những thông tin bất lợi. Ngược lại, các vụ lây nhiễm covid mới trong cộng đồng, giãn cách xã hội và các thông tin liên quan đến Covid-19 lại không khiến NĐT bận tâm.

Bởi họ tập trung nghe ngóng, tìm hiểu các cơ hội đầu tư nào đang hấp dẫn, CP nào đang tăng nhanh khiến họ ảo tưởng về khả năng làm giàu trên TTCK. Có lẽ, đôi khi TTCK tăng điểm tốt cũng khiến sự lạc quan từ NĐT gia tăng và dòng tiền chảy vào mạnh hơn.

Lạc quan, cẩn trọng hay xu hướng tất yếu

TTCK tăng điểm và vượt đỉnh có thể nói trước sau cũng diễn ra, nhất là đối với TTCK “tuổi đời, tuổi nghề” còn trẻ như Việt Nam. Sau một chu kỳ, giai đoạn chuẩn bị bước chạy đà, quá trình khởi động đã xong để nhường chỗ cho giai đoạn tăng tốc.

Số lượng DN niêm yết tăng trưởng, quá trình huy động vốn trên TTCK dễ dàng hơn, làn sóng IPO, M&A cũng được kích hoạt để chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid. TTCK bước sang giai đoạn phát triển với nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính chuyên nghiệp hơn. NĐT cũng trở nên chuyên nghiệp hơn trên TTCK khi tìm hiểu và trau dồi các kiến thức, kinh nghiệm đầu tư trên thị trường.

TTCK phái sinh cũng đi vào giai đoạn hiện đại hóa với nhiều sản phẩm như hợp đồng tương lai, chỉ số VN30, chứng quyền và xa hơn là quyền chọn, bán khống… quá trình phát triển sẽ còn tiếp tục.

Theo đó, những kỳ vọng mới về chuyển mình của nền kinh tế đi kèm với công nghệ 4.0 sẽ khiến môi trường đầu tư thay đổi nhanh, dòng tiền sẽ duy trì ở mức cao trên thị trường và còn gia tăng, sẽ khiến TTCK quay lại đúng và phát huy được vai trò của mình.

Đó là trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho DN, kênh đầu tư cho NĐT cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. TTCK sẽ còn phát triển mốc 1.500-1.600 điểm và hơn nữa chỉ còn là yếu tốt thời gian.

 Mốc 1.500-1.600 điểm của TTCK Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian và “cơn say” CK dường như mới chỉ bắt đầu.

Các tin khác