Có nên quá lo lắng “bong bóng” chứng khoán?

(ĐTTCO) - Tuần qua, trên nghị trường Quốc hội đã có những lập luận lo lắng về “bong bóng” chứng khoán và bất động sản dựa trên cơ cấu thu ngân sách. Cũng tuần qua thị trường chứng khoán (TTCK) đã có những giao dịch với giá trị đạt kỷ lục hơn 52.000 tỷ đồng. Liệu với những dữ liệu này có nên vội kết luận “bong bóng” tài sản?


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Triển vọng thị trường là có

Dù bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ, và đặc biệt quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) niêm yết lại hoàn toàn trái ngược.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ báo cáo kết quả kinh doanh các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, lợi nhuận ròng quý III-2021 tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ trên toàn thị trường, và tăng trưởng 54,6% so với cùng kỳ cho kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.

Nếu xếp nhóm các DN theo quy mô lớn thì mức tăng trưởng này là 21,3% và 44,5%, trong khi các DN có quy mô nhỏ thì bất lợi hơn là -24,0% và 24,7%. Điều này cũng dễ hiểu khi thị trường tạo ra những phân hóa mới.

Với ngân hàng kết quả kinh doanh vẫn là điều thị trường quan tâm khi kết quả kinh doanh quý III-2021 giảm so với cùng kỳ khi tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng tính trung bình 9 tháng đầu năm thì 17 ngân hàng niêm yết có lợi nhuận trước thuế tăng 42,6% so với cùng kỳ nhờ vào mức tăng trưởng tín dụng 7,42%, trong khi cùng thời điểm này năm trước mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,99%.

Do vậy, chỉ số giá cổ phiếu ngành này giữ được mức cao so với đầu năm nhưng lại giảm trong quý III-2021. Nhiều ước tính kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng năm 2021 sẽ giữ được mức tỷ suất sinh lợi ROE 20% - 28%.

Tính chung kết quả kinh doanh của các DN toàn thị trường có sự cải thiện đáng kể, nhờ vào biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 14% quý 1-2020 tăng lên 21,6% vào quý III-2021, cao hơn mức trung bình 17% trong thời gian 5 năm qua.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cũng giảm và thấp hơn trung bình 5 năm, chi phí lãi vay cũng giảm cho toàn thị trường… Đây là những kết quả cho những kỳ vọng TTCK Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo bức tranh chung của nền kinh tế để lo ngại về diễn biến của TTCK, thì đó không phải là điều đáng quan trọng. Giáo sư Paul Krugman cũng chỉ đưa ra 3 nguyên tắc khi nói đến nền kinh tế và giá chứng khoán: thứ nhất TTCK không phải là nền kinh tế, thứ hai TTCK không phải nền kinh tế và thứ ba TTCK cũng không phải nền kinh tế.

 Thị trường quyết định bởi dòng tiền

Thực ra với việc đầu tư thay thế hệ thống giao dịch mới cho sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đầu tháng 7-2021, đã giúp cho hoạt động giao dịch trên toàn thị trường gia tăng cả về số lượng chứng khoán và giá trị chuyển nhượng.

Tuần qua, TTCK cũng chứng kiến mức giá trị giao dịch kỷ lục trên 52.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn nhiều phiên kỷ lục trước đó 31.000 tỷ đồng/phiên ở thời điểm đầu tháng 6. Và hiện nay, thị trường vẫn giữ được mức giao dịch 40-45.000 tỷ đồng/phiên.

Như vậy, tính trung bình cả năm đạt 24.000 tỷ đồng/phiên, cao hơn 2,2 lần mức trung bình năm 2020. Nếu giữ được nhịp độ này thì TTCK mới thể hiện được vai trò của nó đối với nền kinh tế.

Xét về số lượng tài khoản mở mới, trung bình từ 01-2020 đến 9-2021 trên 100.000 tài khoản/tháng. Trong đó, số tài khoản mở mới từ tháng 3-2021 đến 9-2021 đều có số lượng mở mới mỗi tháng trên mức trung bình, riêng tháng 6-2021 có số lượng mở mới đạt đến trên 140.000 tài khoản.

Điều này càng cho thấy sức hút của TTCK. Do vậy, nguồn thu thuế từ TTCK gia tăng đáng kể trong 9 tháng 2021 là điều dễ hiểu.

Với cả quy mô giao dịch và số tài khoản mở mới chính là lý do cho thấy dòng tiền vào thị trường gia tăng đáng kể trong năm 2021. Đồng thời, tỷ lệ cho vay chứng khoán cũng gia tăng đáng kể khi quy mô giao dịch và số tài khoản mở mới, giá trị margin toàn thị trường trên 140.000 tỷ đồng, tăng hơn 74,6% so với năm 2020.

Đáng chú ý chính là việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài hơn 10.000 tỷ đồng trong tháng 10 và hơn 50.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2021. Điều này càng làm nỗi bậc vai trò của nhà đầu tư trong nước.

Và đây cũng chính là sự thúc đẩy thị trường tăng trưởng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi lợi nhuận của các DN không tăng trưởng như kỳ vọng vào cuối năm 2021.

Tháng 9 và 10-2021, dòng tiền tập trung lớn nhất vào nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, trung bình 6.000 tỷ đồng/phiên, sau đó đến nhóm cổ phiếu ngân hàng 4.000 tỷ đồng/phiên, thép gần 3.000 tỷ đồng/phiên, chứng khoán 2.500 tỷ đồng/phiên…

Nhìn vào nhóm ngành thu hút dòng tiền của thị trường cũng cho thấy thị trường tiềm ẩn những rủi ro nhất định và mang tính đầu cơ cao.

Nếu lấy giá thép trên thị trường thế giới hay ở Trung Quốc, chúng ta sẽ dễ nhận biết tính biến động của kết quả kinh doanh ngành này ở Việt Nam ngày nay. Giá thép Vằn (Steel Rebar) trên thị trường Trung Quốc đã tăng từ 3.965 CNY/T cách đây 1 năm, lên mức đỉnh 5.970 CNY/T vào ngày 11-5-2021, tức tăng giá 50,7%. Mức giá này tiếp tục biến động trong khoảng 5.970 – 4.645 CNY/T ở quý III-2021, và hiện mức giá này chỉ tăng hơn 12,5% so với giá cách đây 1 năm.

Tương tự, nếu lấy giá quặng sắt (Iron ore) thì mức giá này đã giảm hơn 30% so với 1 năm trước, sau khi đã tăng giá mạnh gần 90% vào ngày 12/05/2021.

Rủi ro từ khuyến nghị đầu tư

Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) xuất bản các báo cáo đánh giá tiềm năng thị trường và đưa ra những khuyến nghị đầu tư, triển vọng. Dù rằng khi so sáng triển vọng TTCK Việt Nam với thế giới đâu đó có những nhận định về sự kém hấp dẫn của TTCK Việt Nam so với một số nước.

Chẳng hạn như dòng vốn đầu tư nước ngoài đang bán ròng tại Việt Nam, rút ra khỏi những thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ… trong khi đổ vào ở một số thị trường như Nhật, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia…

Xét về mực định giá của TTCK Việt Nam với PE hơn 16,5, thấp hơn mức đỉnh gần 19, tức ở mức chiết khấu 12%. Nhưng kết quả định giá này không phải là hấp dẫn khi so sánh với cùng thời điểm ở các thị trường. Hệ số PE ở thị trường Trung Quốc là 15,2; Hàn Quốc là 15,9; Malaysia là 15,5; Hồng Kông là 10,7…

Hay các báo cáo thị trường của chính các CTCK đều có những nhận định về những rủi ro từ kinh tế toàn cầu, như tình trạng lạm phát; chính sách tiền tệ của Fed và một số ngân hàng trung ương; rủi ro từ các chính sách nhiệt hóa địa cầu đưa đến những dự báo giá dầu tăng cao, giá than giảm sâu… Và thậm chí là đà hồi phục kinh tế thế giới chậm lại…

Tuy nhiên, dù khuyến cáonhững rủi ro chung, nhưng các kết quả định giá, khuyến nghị đầu tư của các CTCK cho từng công ty đều đưa đến những dự báo lạc quan, khuyến nghị đầu tư với kết quả định giá cao hơn mức giá thị trường hiện tại.

Điều đáng nói nữa chính là cùng một mã cổ phiếu, có rất nhiều CTCK đưa ra khuyến nghị đầu tư nên mua vào và nắm giữ với mức định giá cao hơn 20-25% giá thị trường. Và các báo cáo phân tích đầu tư không có một kết quả khuyến nghị bán ra cho nhà đầu tư.

Nếu mức định giá của họ thấp hơn mức giá thị trường thì đơn giản không công bố báo cáo, hoặc nếu công bố thì điều chỉnh kết quả định giá để đạt đến trạng thái trung lập, nghĩa là xoay quanh giá thị trường. Điều này cũng khá dễ hiểu khi xem xét khía cạnh hành vi cũng như rủi ro nghề nghiệp của nhân viên phân tích các CTCK.

Rõ ràng vấn đề xung đột lợi ích từ 2 nghiệp vụ tự doanh và môi giới tại CTCK, hay giao dịch của cá nhân phân tích với khuyến nghị đầu tư của chính họ… tồn tại cho đến ngày nay mà chưa có hướng giải quyết từ Luật và cấu trúc thị trường.

Lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam cũng xuất hiện nhiều lần khi tự doanh của chính các CTCK bán ra nhưng kết quả phân tích tư vấn lại khuyến nghị nhà đầu tư mua vào…

Kết luận của bài viết, tác giả xin trích lại câu nói của một nhà vô định chứng khoán Mỹ với đại ý như sau: TTCK cung cấp nhiều cơ hội lớn để nhà đầu tư nhận lấy những phần thưởng tài chính. Nhưng nó cũng dạy cho nhà đầu tư những bài học cho những ai không đánh giá đúng mức rủi ro.

Giao dịch luôn mang lại cho bạn sự phấn khích khi chiến thắng và sự khiếm tốn khi thua lỗ. Đó là trò chơi tuyệt vời cho những bộ óc lý trí.

Các tin khác