Thu hút FDI phải tự lượng sức

(ĐTTCO) - Tình hình kinh tế thế giới hiện nay, cũng như khả năng hấp thụ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nền kinh tế trong nước vẫn còn những điểm nghẽn. Trong bối cảnh này, Việt Nam không nên “quá tham vọng thu hút vốn FDI bằng mọi giá", chỉ nên thu hút những dòng vốn phù hợp kết hợp với cải cách, nâng cao nội lực nền kinh tế.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính đến ngày 20-8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn góp của các NĐTNN theo hình thức góp vốn mua cổ phần cũng tiếp tục giảm, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 8 tháng qua.
Sự suy giảm nguồn vốn FDI này cùng với việc điều chỉnh chính sách nhằm thu hút FDI của một số nền kinh tế trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… đã khiến nhiều chuyên gia đặt vấn đề phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần điều chỉnh chính sách thu hút FDI để có thể đón được những dòng vốn lớn hơn?

“Hiện tượng” thu hút FDI đáng lo hơn mừng
Khách quan nhìn nhận, trong vòng 5 năm trở lại đây, sự suy giảm vốn FDI không riêng ở Việt Nam mà đã trở thành xu hướng chung của nền kinh tế thế giới. Theo Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), vốn đầu tư của thế giới giảm 2.034 tỷ USD trong năm 2015 xuống còn 1.297 tỷ USD trong năm 2018.
Nguyên nhân chính do các công ty đa quốc gia của Mỹ hồi hương trong bối cảnh chi phí lao động tại các công xưởng thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ tăng liên tục nhằm tận dụng các cải cách thuế được chính quyền Mỹ thông qua năm 2017.  Kết thúc năm 2019, dòng vốn này cũng chỉ phục hồi ở mức khiêm tốn, đạt khoảng 1.370-1.500 tỷ USD, tương đương mức tăng 5-15%.
Trong bối cảnh suy giảm FDI nói chung của nền kinh tế toàn cầu, những năm gần đây Việt Nam lại luôn tăng trưởng mạnh về thu hút FDI, trở thành một “hiện tượng” của kinh tế khu vực. Theo thống kê của Statista, Việt Nam dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong 7 năm gần nhất (2013-2019) so với các nước ASEAN và Ấn Độ, với tỷ lệ chiếm đến 7,8% GDP khi đạt 92,48 tỷ USD, so với Thái Lan 60,21 tỷ USD (1,2% GDP); Malaysia 61,51 tỷ USD (2,1% GDP), Indonesia 126,93 tỷ USD (2,1% GDP), Singapore 508,95 tỷ USD (25,4% GDP), Philippines 51,45 tỷ USD (2,1% GDP), Myanmar 17,47 tỷ USD (3,8% GDP) và Ấn Độ 218,74 tỷ USD (1,36% GDP). 
Như vậy, thu hút vốn FDI (chỉ tính đã giải ngân, không tính cam kết) trong 7 năm gần nhất (2013-2019), Việt Nam đã vượt Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng đầu tư so với quy mô nền kinh tế. Việt Nam tuy kém Ấn Độ và Indonesia về giá trị tuyệt đối, nhưng tính tỷ trọng đầu tư FDI so với quy mô nền kinh tế cao hơn tới 3,7 và 5,7 lần. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng (có phần nóng) về thu hút vốn FDI của Việt Nam trong một thời gian dài, cũng dấy lên những lo ngại và hoài nghi về khả năng hấp thụ thực sự của nền kinh tế, cũng như mức độ lan tỏa của khu vực FDI đối với nền kinh tế. 

Cần biết mình, biết ta
Mới đây, Ấn Độ tiếp tục có những thay đổi quan trọng về chính sách thu hút vốn FDI. Đáng chú ý là Ấn Độ tập trung nới room nhiều hơn cho nhóm ưu đãi tài chính đối với doanh nghiệp FDI, thay vì khuôn khổ ưu đãi về thuế, đất đai… như trước đây. Tương tự, Indonesia, Thái Lan cũng đang có những điều chỉnh nhất định về chính sách này. Thực tế, từ cuối 2015 Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện hàng loạt chính sách nhằm kích thích thu hút FDI bằng cách nới lỏng chính sách FDI và cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả, trong tài khóa 2015-2016, Ấn Độ đã thu hút 40 tỷ USD đầu tư nước ngoài và 43,48 tỷ USD trong tài khóa 2016-2017 - mức cao nhất từ trước tới nay. 
Động thái tiếp tục nới lỏng chính sách thu hút FDI của Chính phủ Ấn Độ mới đây được cho nhằm bù đắp nguồn ngoại hối sụt giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19. Năm 2019, Ấn Độ nhận 83 tỷ USD kiều hối (chiếm gần 1/5 tổng dự trữ ngoại hối 457 tỷ USD của nước này). Trong nhiều năm nguồn thu kiều hối của Ấn Độ thường cao gấp đôi mức đầu tư FDI. Nhưng đại dịch Covid-19 đã chặn dòng kiều hối của nước này. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối của Ấn Độ sẽ bị giảm 22% trong năm nay. Do đó, Ấn Độ sẽ cần cơ chế FDI tự do hơn để lấp đầy khoảng trống của nguồn kiều hối suy giảm.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI (VAFIE), cho rằng những thay đổi về chính sách thu hút FDI của Ấn Độ có thể là xem như hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Tuy nhiên, không nên xem những thay đổi về chính sách của Ấn Độ có thể khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc giữ chân và thu hút thêm các đại gia công nghệ hàng đầu thế giới. “Ảnh hưởng hay không phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, sản xuất và kinh doanh của các tập đoàn. Họ có chiến lược của họ, ta cũng có chiến lược của mình. Vấn đề khi thay đổi chính sách phải xem xét hết sức thận trọng, chúng ta không nên dựa theo những hiện tượng rồi vội vàng đánh giá” - GS.TSKH Nguyễn Mại lưu ý.
 Thực tế, trong những năm qua đã xuất hiện xu hướng cạnh tranh về sử dụng lao động ở các khu công nghiệp lớn, khu kinh tế động lực. Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, các doanh nghiệp trong nước sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, mạng lưới cung cấp đầu vào linh kiện cho doanh nghiệp FDI lắp ráp cũng thiếu và yếu. Nếu hệ thống cung cấp phụ trợ kém, các doanh nghiệp FDI chỉ có thể tận dụng được lợi ích về chi phí giá rẻ như lương cho nhân công. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh thu hút FDI này của Việt Nam lại đang giảm dần.  
 Vấn đề quan trọng hiện nay là đánh giá lại khả năng hấp thụ vốn FDI của nền kinh tế Việt Nam, để từ đó tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn lao động và công nghiệp phụ trợ.

Các tin khác