Trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound (khách đi du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Khi dịch Covid-19 xảy ra, du khách Trung Quốc hạn chế đi lại, khiến ngành du lịch nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, gặp khó. Nay, Trung Quốc mở cửa du lịch quốc tế trở lại, để có thể thu hút và đón nguồn khách tiềm năng này, ngày 9-1, Bộ VH-TT-DL phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội nghị “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam”.
Quảng Ninh (Việt Nam) là điểm đến được du khách Trung Quốc yêu thích. Ảnh: QUANG PHÚC
Sản phẩm, dịch vụ phù hợp
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chỉ rõ, 3 năm đại dịch Covid-19 đã mang đến rất nhiều thay đổi từ nội tại ngành du lịch như: sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... cho đến đối tượng khách hàng, thói quen, nhu cầu, sở thích, cũng như phương thức tiếp cận... Bởi vậy, để chuẩn bị những gì tốt nhất nhằm thu hút khách Trung Quốc, ông Nguyễn Trùng Khánh chỉ ra một số biện pháp cần triển khai đồng bộ như: tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh, đặc biệt là đối với các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng lưu ý các doanh nghiệp cần đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch.
“Việt Nam rất cần những sản phẩm mới với chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng khách hàng. Đây có thể là thời điểm thích hợp để chúng ta thay đổi lại phân khúc thị trường, hướng tới chất lượng hơn, hiệu quả hơn; cần đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như: cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch...”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhấn mạnh. Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, cần ứng dụng công nghệ thông tin để chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như Weibo, Douyin, Xigua...; phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị tới thị trường này.
Trong khi đó, theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Việt Nam nên khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ có triển vọng thu hút khách đến một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc…; đồng thời tăng cường công tác quảng bá điểm đến Việt Nam tại các địa phương có đường bay trực tiếp và các địa phương lân cận có đường bộ đến Việt Nam thuận tiện. Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải liên kết hình thành đa dạng các nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để cung cấp cho các đối tác, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, giảm sức ép và chi phối không tốt từ các đối tác như trước đây. Các nhà cung cấp dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm cần ổn định lại nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để sẵn sàng phục vụ du khách Trung Quốc, đảm bảo cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, kiên quyết không cạnh tranh phá giá… Nội dung, hình ảnh quảng bá phải ấn tượng và thể hiện các nét đặc trưng nổi bật Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện và thú vị với tất cả du khách Trung Quốc, thay đổi quan điểm đi du lịch giá rẻ là đi Việt Nam.
Xử lý tình trạng phá giá
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất, cả về inbound (đón khách quốc tế vào) và outbound. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, trong quá trình đón và phục vụ khách Trung Quốc thời gian qua, bên cạnh các kết quả đạt được cũng còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Cụ thể như tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour “0 đồng”), kinh doanh “núp bóng”; xuất hiện các công ty “núp bóng”, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa. Nhiều cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành “chui” đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi trở nên lộn xộn, không quản lý được, khách Trung Quốc không hài lòng, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bị hiểu sai, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, hoạt động đón khách thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như: cạnh tranh không lành mạnh, ép giá, hạ giá, giảm chất lượng dịch vụ, có dấu hiệu gian lận thương mại. Nhất là giai đoạn 2017-2019, vấn đề du lịch giá rẻ, tour “0 đồng” gây ra nhiều bức xúc, khiến dư luận quan tâm. Do đó, ông Thủy đề xuất cần có cơ chế đồng bộ, phù hợp. Ngành du lịch xem xét nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù về đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu. Trước mắt, khi chưa có cơ chế, các hiệp hội du lịch, địa phương, doanh nghiệp lữ hành cần có cách tổ chức đón khách Trung Quốc thông qua các nhóm, câu lạc bộ hoặc hình thức phù hợp.
Cơ hội để ngành du lịch bứt phá
Trung Quốc chính thức “mở cửa” thông thương trở lại từ ngày 8-1, được xem như “hàng rào” Covid-19 cuối cùng trên toàn cầu được tháo dỡ. Song song đó, nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt ở Việt Nam, Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trên thế giới, sẽ tạo điều kiện giao thương đi lại thuận tiện, tạo bệ phóng cho ngành du lịch sôi động trở lại.
Theo số liệu do Tổ chức Du lịch thế giới và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu công bố, năm 2018 chi tiêu của khách Trung Quốc đi nước ngoài khoảng 277 tỷ USD, năm 2019 là 255 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch quốc tế. Đối với nước ta, khách Trung Quốc tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019 có gần 6 triệu lượt khách đến Việt Nam, mức chi tiêu khoảng 900 USD/người mỗi chuyến đi, tức là đem lại cho ngành du lịch 5,4 tỷ USD. Hàng loạt điểm đến nổi tiếng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của nước ta từng thu hút đông du khách Trung Quốc, phần lớn các nhóm khách đi theo các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến bay).
Sau khi kết thúc đại dịch, ngành du lịch đã rất năng động, tự làm mới, cho ra đời thêm nhiều sản phẩm. Như tại TPHCM, chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” triển khai hết sức sôi động. Hiện có hơn 60 sản phẩm du lịch mới đã nằm trên lịch trình tour tuyến của các công ty lữ hành, chào mời du khách. Ngoài ra, công tác truyền thông “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” nhằm giới thiệu hình ảnh TPHCM cũng đổi mới từng ngày; đẩy mạnh quảng bá các lễ hội trên các kênh truyền thông quốc tế. Song song đó, nhiều tỉnh thành cũng làm mới sản phẩm, điển hình như Festival hoa Đà Lạt 2022 với nhiều chương trình nghệ thuật thú vị, như bay dù lượn, khinh khí cầu ngắm Đà Lạt trên cao, Carnaval đường phố… Ngược lên phía Bắc, Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang) giúp du khách đắm mình trong không gian bạt ngàn của những đồi hoa mọc lưng chừng núi đá, thưởng thức ẩm thực gà đồi muối hong khói; tham gia các giải marathon quốc tế “Chạy trên cung đường hạnh phúc”; giải đua ôtô, môtô mạo hiểm “Tinh thần đá”…
Khách du lịch quốc tế đã mang lại cơ hội làm ăn cho người dân, thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển như hàng không, vận tải, ẩm thực, lưu trú, vui chơi giải trí… Chỉ tính riêng tại TPHCM, năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch, tổng doanh thu ngành du lịch đạt trên 140.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% vào GRDP và gần 20% tổng doanh thu du lịch của Việt Nam.
Tất nhiên, nói như vậy không hẳn trước mắt hoàn toàn màu hồng, mà cần nhắc lại căn bệnh muôn thuở của ngành du lịch Việt Nam: năng lực hấp thụ. Làm thế nào để nâng chất cho ngành du lịch, để du khách trải nghiệm nhiều ngày hơn, quay trở lại nhiều lần, vui vẻ xài tiền nhiều hơn, chính là thước đo hiệu quả của ngành công nghiệp không khói. Chắc chắn, giải bài toán này đầu tiên phải đến từ cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cải thiện thái độ phục vụ, giảm phiền hà cho du khách tại các điểm tiếp đón như cửa khẩu, sân bay, nhà ga… Kế đến doanh nghiệp, người dân hoạt động trong ngành du lịch, là đối tượng thụ hưởng trực tiếp, phải có trách nhiệm luôn tự làm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của du khách.
Một khi du lịch - ngành kinh tế tổng hợp “bay xa” sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề khác cùng phát triển, tạo đà mạnh mẽ cho nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.