Hạ tầng quá tải
Theo Sở GTVT TPHCM, TPHCM có hệ thống cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1, đóng vai trò chủ đạo trong kết nối vận tải hàng hải của khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hệ thống này gồm 4 khu cảng chính: khu bến cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến cảng Nhà Bè trên sông Nhà Bè, khu bến cảng trên sông Sài Gòn và khu bến cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các bến cảng luôn cao nhất nước. Hầu hết các bến cảng nằm dọc theo sông từ phía Đông xuống phía Nam thành phố. Phần lớn bến cảng và hạ tầng kết nối các bến cảng đều nằm trong đô thị TPHCM. Bên cạnh đó, để phục vụ cho hoạt động của hệ thống cảng này còn có các cảng cạn, địa điểm kiểm tra tập trung, kho CFS, kho ngoại quan... cũng nằm xen cài trong khu đô thị.
Chỉ tính riêng khu cảng Cát Lái - thuộc top 30 cảng biển lớn nhất thế giới, đã đảm nhận 38,5% khối lượng hàng container xuất nhập khẩu của cả nước. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đã tạo áp lực rất lớn đến kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM. Hiện, cơ sở hạ tầng giao thông cảng biển TPHCM không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng hàng hóa lưu thông qua các cảng. Hậu quả của sự quá tải này là ở đây thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Không ít hàng hóa vì thế bị ứ đọng tại các cảng, làm tăng chi phí logistics, kìm hãm sự phát triển của thành phố.
Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách thành phố ngày càng eo hẹp, không đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng công trình hạ tầng cảng biển ngày càng lớn trên địa bàn thành phố. Vì vậy, theo Sở GTVT TPHCM, việc thu phí là hết sức cần thiết, nhằm tạo nguồn thu để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, công trình kỹ thuật, dịch vụ…
Công khai thu, chi
Trong đề án, Sở GTVT TPHCM đã đưa ra chi tiết mức thu, đối tượng thu và thời gian thu phí. Theo đó, đối tượng và phạm vi áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu qua các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TPHCM... Trong đó, các trường hợp được miễn thu phí gồm hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho công tác an ninh, quốc phòng, hàng hóa xuất, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Theo Sở GTVT TPHCM, đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí là Cảng vụ Đường thủy nội địa - thuộc Sở GTVT TPHCM. Cục Hải quan TPHCM, các đơn vị kinh doanh cảng cùng phối hợp hỗ trợ kiểm tra, giám sát việc nộp phí thông qua hệ thống 24/7 của Hải quan TPHCM.
Về sử dụng nguồn thu, Sở GTVT TPHCM kiến nghị trích lại 5% trên tổng doanh thu. Khoản tiền này sẽ được UBND TPHCM quyết định phân bổ làm chi phí hoạt động cụ thể cho từng đơn vị có liên quan, bảo đảm đúng quy định của Luật phí và lệ phí cùng các văn bản hướng dẫn liên quan. Toàn bộ nguồn thu sau khi trừ chi phí sẽ được nộp vào ngân sách thành phố, sau đó bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng cảng biển. Các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện niêm yết công khai thông tin về tên phí, mức thu, phương thức thu, văn bản quy định.
Thời gian thu phí (giai đoạn 1) dự kiến từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 31-7-2021, sẽ tổ chức thu phí tại tại cụm cảng Cát Lái thuộc khu vực quản lý, giám sát của Hải quan khu vực I. Trong thời gian này sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác thu phí tại cụm cảng Cát Lái để triển khai cho các cảng còn lại trên địa bàn thành phố. Giai đoạn 2 từ ngày 1-8-2021, sẽ thu phí cho tất cả các cảng trên địa bàn TPHCM.
Sở GTVT TPHCM cho rằng, việc ban hành phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2030 đã được Thường vụ Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM thông qua. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030 là 970.654 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 477.704 tỷ đồng (chiếm 49,21%); nguồn vốn Trung ương, ODA, PPP là 492.950 tỷ đồng (chiếm 50,79%). Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2026 chỉ đáp ứng 117.293/543.565 tỷ đồng (tương ứng 24,6%). Các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa thu hút, nguồn vốn ODA hạn chế. |