Thủ tướng chia sẻ quyết định xóa ‘nhóm lợi ích’ xăng dầu

(ĐTTCO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kể lại câu chuyện thú vị về việc Chính phủ đã “tuyên chiến” và dẹp bỏ nạn buôn lậu xăng dầu, ứng dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu.

Ngày 8-5, NHNN tổ chức sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024”. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Từ bất cập trong quản lý

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn câu chuyện về quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua để minh chứng cho việc chuyển đổi số giúp đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Thủ tướng dẫn chứng: “Tôi lấy kinh nghiệm trong điều hành xăng dầu năm 2023. Chúng tôi cứ luôn phải đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta lại thiếu xăng dầu, bởi sản lượng xăng dầu tự sản xuất ở trong nước chúng ta đã đạt 75%, chỉ nhập khẩu 25%".

"Đó là do khâu quản lý của chúng ta không tốt. Giá xăng dầu thì phụ thuộc vào thị trường, nhưng chính vì quản lý không tốt, đặc biệt là quản lý về buôn lậu xăng dầu. Chúng ta làm rất quyết liệt, liên quan đến cảnh sát biển, bộ đội biên phòng", Thủ tướng nói.

PhamMinhChinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện. Ảnh: Viết Chung

Thủ tướng cho biết thêm, trong hạch toán về quản lý kinh doanh xăng dầu, chúng ta đã không hạch toán được vấn đề về lượng xăng dầu trên thị trường do buôn lậu mà có. Nên khi chúng ta đánh vào buôn lậu xăng dầu khiến thị trường thiếu đi nguồn cung. Chúng ta đã không dự tính, dự báo trước được điều này. Nó không nhiều, nhưng vẫn gây thiếu hụt cục bộ như đã thấy.

"Từ tiêu cực trong quản lý dẫn đến thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Qua đó chúng ta thấy việc ứng dụng CNTT hay chuyển đổi số các ngành nói chung và quản lý các ngành nghề nhạy cảm tác động trực tiếp hàng ngày đến người dân là hết sức quan trọng”, Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh bất cập trong khâu quản lý, theo Thủ tướng còn có bất cập trong việc chậm chuyển đổi số đối với kinh doanh xăng dầu. “Tôi cũng nói lại thêm chỗ quản lý kinh doanh xăng dầu. Thực ra chủ trương đã có từ lâu rồi, nhưng chúng ta cũng thiếu quyết tâm, thiếu nỗ lực. Nên việc ứng dụng thanh toán bằng hóa đơn điện tử đối với xăng dầu là bị chần chừ, cho nên đã xảy ra việc này việc kia”, Thủ tướng nói.

“Tối hậu thư” chấn chỉnh

Thủ tướng cho biết: “Vừa qua Chính phủ đã rất quyết tâm thực hiện việc này. Có đồng chí nói là để làm được việc này thì cần vài năm, nhưng chúng tôi nghiên cứu thì thấy cơ sở hạ tầng CNTT của chúng ta đã phủ đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn rồi, nên không có lý do gì mà chúng ta cứ mãi chần chừ vấn đề này".

Chính phủ quyết định là quyết tâm ngày 31-3 phải thực hiện xong việc hóa đơn điện tử với xăng dầu, đây là kinh doanh có điều kiện, còn ông nào kinh doanh không có điều kiện thì chúng tôi rút giấy phép kinh doanh, phải dứt khoát như thế.

"Đến ngày 31-3, chỉ còn 4 cây xăng chưa làm được hóa đơn điện tử, khi ấy tôi nói là gia hạn cho thêm 3 ngày nữa. Nếu sau 3 ngày nữa mà không thực hiện thì sẽ rút giấy phép kinh doanh. Cũng may là Chính phủ đã không phải rút cái giấy phép nào vì sau đó tất cả đều thực hiện", Thủ tướng kể lại.

xang-dau.jpg
Đến nay 100% các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên cả nước đều phải áp dụng hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa

Nói như vậy để thấy trách nhiệm của việc quyết tâm thực hiện. Điều này cũng cho thấy kinh doanh mặt hàng xăng dầu là có lãi chứ không phải là không có lãi. Lúc đầu thì các doanh nghiệp đưa ra nguyên nhân chậm trễ là do chi phí, rồi hóa đơn điện tử khiến tăng chi phí cho doanh nghiệp… nhằm cản trở việc này.

Thủ tướng nói nhờ ứng dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu mà đã giúp ngân sách Nhà nước tránh được thất thu. Chuyện này thì anh Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng báo cáo với tôi. Đó là câu chuyện tháng 3, nhưng đến tháng 4, khi tôi hỏi thu ngân sách liên quan đến xăng dầu có tăng không? Anh Cao Anh Tuấn báo cáo với tôi là ngân sách thu từ kinh doanh xăng dầu không giảm, mà tăng 20%.

"Nói thế để thấy ứng dụng chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của chúng ta đưa lại hiệu quả là rất lớn. Nếu chúng ta quyết tâm, nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt thì là làm được ngay”, Thủ tướng chia sẻ. “Tất nhiên, khi chỉ đạo, chúng tôi cũng dựa trên cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và pháp lý, chứ không phải mình ngồi ở phòng mà tưởng tượng ra rồi chỉ đạo. Tức là mình phải có hiểu biết về những ngành nghề, từ đó mới đưa ra mục tiêu, rồi quyết tâm thực hiện để hoàn thành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các tin khác