Chính sách có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn; do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế, các sản phẩm được làm mới.... cũng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Quy hoạch chính sách năng lượng tái tạo
Đối với Việt Nam, năng lượng sạch đang trở thành một nhân tố mới, công tác quy hoạch chính sách năng lượng tái tạo đã trở thành một vấn đề đòi hỏi sự tham mưu, phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ, ban, ngành; đồng thời đảm bảo tích hợp được các ưu tiên và lợi ích của các cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài... Hoạch định được một lộ trình phát triển năng lượng sạch đúng đắn sẽ giúp Việt Nam củng cố được vai trò then chốt của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải trong ngắn hạn đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó lần đầu tiên quy định các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn (trên 3000 tấn CO2/năm hoặc tiêu thụ trên 1000 TOE/năm) phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bắt đầu từ năm 2023, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ năm 2025.
Các bộ quản lý lĩnh vực bao gồm: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, cũng đã và đang tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cũng như giám sát việc thực hiện ở các cấp từ quốc gia đến lĩnh vực, cơ sở, doanh nghiệp...
Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, thí điểm và tiến tới vận hành chính thị trường carbon nhằm tạo một công cụ hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp.
Đối với mục tiêu dài hạn đưa Việt Nam trở thành một nước phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia để xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cập nhật. Trong đó nền tảng là xác định được kịch bản phát thải thông thường dài hạn của Việt Nam, các biện pháp giảm phát thải khả thi và lộ trình thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đã cam kết.
Trong các kịch bản giảm phát thải đã được xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện, chuyển dịch từ nền kinh tế phụ thuộc vào nhiệt điện than sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời, điện khí được coi là biện pháp trọng tâm của Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc nghiên cứu kịch bản với các biện pháp thu giữ carbon.
Theo Phó cục trưởng Phạm Nguyên Hùng, Cục Điện lực và năng lượng Việt Nam thuộc Bộ Công Thương, Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tuyên bố mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề chuyển dịch nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch.
Nhờ có quyết sách kịp thời của Chính phủ, thị trường điện năng lượng tái tạo đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của thệ thống điện. Năm 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 30 tỷ kWh.
Các nguồn điện năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi thiếu nguồn, phụ tải tăng cao, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025. Chính sách về năng lượng tái tạo cũng đã huy động hiệu quả, kịp thời nguồn tài chính thương mại trong nước, quốc tế, tham gia đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, giảm gánh nặng đầu tư nguồn diện tư ngân sách nhà nước. Đặc biệt, đối với các địa phương, phát triển năng lượng tái tạo đã góp phần khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, huy động nguồn lao động sẵn có tại địa phương và bổ sung nguồn ngân sách đáng kể cho các địa phương.
Tạo cơ chế cho doanh nghiệp
Một trong những giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là nhà nước đã tạo nhiều cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất đảm bảo các tiêu chí môi trường như: ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh; cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo lãnh tín dụng; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt; trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường...
Chia sẻ về mô hình sản xuất bền vững từ hạt cà phê đến gạch không nung, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại, Công ty Nestlé Việt Nam cho biết Công ty đã thực hiện quy trình xử lý bã cà phê thành phân vi sinh, đồng xử lý chất thải thành năng lượng, từ đó cát thải được tái chế thành gạch không nung và bùn được xử lý thành phân bón, đồng thời sử dụng bìa thùng carton được tái chế. Từ các biện pháp trên, Công ty đã đạt được nhiều kết quả như không phát thải chôn lấp ra môi trường; 40% năng lượng tái tạo sử dụng cho tổng nhu cầu điện năng; tiết kiệm 30% nước sử dụng trong sản xuất...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Huy Đại, Đại học Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong quá trình chế biến gỗ, luôn có phế liệu gỗ ở hầu hết các công đoạn từ khâu khai thác đến gia công. Việc tái sử dụng phụ phẩm, phế liệu gỗ trong quá trình chế biến sẽ giúp tạo mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến gỗ.
Trên thực tế, phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Phế liệu gỗ tại các nhà máy phục vụ cho mục đích cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho việc sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây sẽ có ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.
Phế liệu gỗ sau chế biến tại các xí nghiệp có thể được thu gom để sản xuất tập trung các sản phẩm năng lượng. Các sản phẩm năng lượng như viên nén gỗ, gỗ củi ép mùn cưa, than gỗ đã góp phần không nhỏ vào việc giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm nhiên liệu này được thay thế bởi các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, phát thải một lượng khí lớn CO2 vào môi trường.
Để tạo kinh tế tuần hoàn trong chế biến gỗ, cần phát huy hiệu quả chính sách để tạo rừng trồng ở quy mô lớn, liên kết các hợp tác xã, các hộ dân trồng rừng với các nhà máy chế biến gỗ; khuyến khích, tạo điều kiện cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp là các chủ rừng, phát triển liên kết theo quy trình trồng, khai thác và chế biến-tiêu thụ để từ đó tạo vòng kinh tế tuần hoàn; khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm tạo ra trong quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn cho sản xuất. Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về hiệu quả của kinh tế tuần hoàn...
Tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022 - Hội nghị khởi động kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu và mong muốn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, đóng góp sáng kiến, giải pháp cho xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và sớm có mô hình thành công về phát triển kinh tế tuần hoàn ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; làm sao để kinh tế tuần hoàn đóng góp vào mục tiêu Phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam và thế giới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sẽ được xây dựng với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các tiên tiến trong khu vực.
Các giải pháp cũng sẽ bao gồm ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới; ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.
Kế hoạch cũng xây dựng lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilong) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm; phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải; thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn; truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn, về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.
Cùng với đó, để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, thiết kế mô hình sản xuất theo hướng: tăng cường sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ trong các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, nâng cấp, làm mới và thiết kế lại.
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như công nghệ thông tin (Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn), trong quản lý nguồn thải và công nghệ sinh học xử lý rác thải; tăng hợp tác trong nghiên cứu, phát triển, kết nối người tiêu dùng thông qua hình thức tiêu dùng chung để nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm.