Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về cơ chế điều hành ngân sách, dẫn đến cấp quận, phường thiếu chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.
Việc đột xuất, phát sinh... phải chờ
Đặc thù tại TPHCM là ở các quận, phường có đông dân luôn phát sinh nhiều nhiệm vụ chi đột xuất, không thể dự kiến trước khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm. Trường hợp phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp cần vốn, UBND quận, phường phải đề xuất UBND TPHCM để trình HĐND TPHCM xem xét (do TPHCM không tổ chức HĐND cấp quận, phường), dẫn đến mất nhiều thời gian. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Tài chính TPHCM tiếp nhận nhiều phản ánh của các quận về thiếu nguồn vốn sửa chữa đường hẻm, không chủ động sử dụng kết dư ngân sách để làm các dự án đầu tư công theo Nghị quyết Đảng bộ quận đề ra đầu nhiệm kỳ.
Nhiều quận, phường phản ánh thiếu chủ động, thiếu nguồn vốn sửa chữa đường hẻm.
Ảnh: VĂN MINH
Chia sẻ những khó khăn chung này, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A Nguyễn Văn Ngân cho biết, trước đây, phường được bố trí nguồn kinh phí kết dư nhưng sau khi thực hiện chính quyền đô thị, phường không còn nguồn kinh phí này nên không có nguồn kinh phí dự phòng để tổ chức các nhiệm vụ đột xuất, trong đó có công tác phòng chống dịch bệnh. “Trước đây, nguồn kinh phí dự phòng của mỗi phường bình quân khoảng 500 triệu đồng. Khi thực hiện chính quyền đô thị, phường đông dân hay ít dân cũng đều được cấp 100 triệu đồng. Với nguồn kinh phí dự phòng được cấp này, các phường gặp khá nhiều khó khăn, nhất là phường có đông dân”, ông Nguyễn Văn Ngân cho biết.
Là địa phương có nguồn thu ngân sách cao nhất của TPHCM, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cũng giãi bày, khi thực hiện chính quyền đô thị, quận 1 là đơn vị dự toán ngân sách, toàn bộ ngân sách kết dư sẽ chuyển về TPHCM. Do đó, các công trình dự án trên địa bàn quận đều phải chờ phân bổ vốn từ TPHCM. Hàng năm, quận 1 cần khoảng 200 tỷ đồng nhưng nay chỉ được phân bổ 48 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, phân bổ về các phường thì gặp nhiều khó khăn trong tự chủ.
Theo lãnh đạo UBND một phường tại quận 3, hiện việc rất nhỏ như mua một bộ máy tính mới cho cán bộ, công chức phường làm việc cũng phải xin ý kiến và chờ TPHCM duyệt. Cụ thể, vị này nêu ra quy trình gian nan thế nào để được duyệt kinh phí. Theo đó, hàng năm, các phường đăng ký nhu cầu trang thiết bị với Phòng Tài chính - Kế hoạch của quận. Tiếp đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận sẽ tổng hợp và đăng ký với Sở Tài chính TPHCM. Cuối năm, Sở Tài chính tham mưu UBND TPHCM làm tờ trình mua sắm tập trung trình HĐND TPHCM duyệt mua. “Để có một chiếc máy tính phải chờ thời gian rất dài với một quy trình như vậy nên cán bộ, công chức nhiều địa phương phải sử dụng tạm máy tính cá nhân hoặc địa phương huy động nguồn xã hội hóa để có thể trang bị máy móc kịp thời phục vụ công việc”, vị lãnh đạo phường này bày tỏ.
Bố trí gói điều hành ngân sách có đủ?
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ, khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận không còn là cấp ngân sách do đó các nội dung chi phải đúng với các danh mục dự toán đã được bố trí từ đầu năm. Việc này dẫn đến UBND quận và phường thiếu chủ động trong việc giải quyết các vụ nhiệm đột xuất, phát sinh. Ông Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị UBND TPHCM tăng nguồn kinh phí dự phòng cho địa phương. Bí thư Quận uỷ quận 7 Võ Khắc Thái kiến nghị thêm, quan trọng nhất hiện nay là TPHCM có cơ chế ủy quyền, tháo gỡ cho các quận, phường về chính sách tài chính; chủ động ủy quyền cho địa phương những đầu việc cụ thể để chủ động hơn.
Bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cho biết, hiện nay cả 16 quận thực hiện chính quyền đô thị đều gặp phải thực tế nêu trên. Đến quý 4-2022, các quận vẫn thiếu kinh phí, Sở Tài chính sẽ tổng hợp nhu cầu kinh phí của các quận để báo cáo UBND TPHCM trình HĐND TPHCM bổ sung từ nguồn ngân sách của TPHCM.
Hiện nay, Sở Tài chính TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM bố trí gói điều hành ngân sách chung cho các quận. Qua đó, TPHCM đã bố trí gói điều hành chung về ngân sách 749 tỷ đồng để bổ sung các khoản chi đột xuất phát sinh của các quận. Ngành tài chính TPHCM cũng đã hướng dẫn các quận rà soát, xác định nguồn kết dư còn lại, đồng thời rà soát danh mục dự án đầu tư công cần thiết, đảm bảo điều kiện giải ngân để bố trí kinh phí, trước hết là nguồn kết dư còn giữ lại và sau đó là nguồn bổ sung từ ngân sách TPHCM.
Liên quan đến những khó khăn, thiếu sự chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ, nhất là trong phòng chống dịch hiện nay ở các quận, phường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, đã yêu cầu Sở Tài chính TPHCM nghiên cứu tham mưu có cơ chế để việc cấp ngân sách cho các quận được linh động hơn. Từ đó, giúp các quận chủ động hơn trong công tác, vì dịch bệnh hay các sự cố có thể ập đến bất kỳ lúc nào mà không thể đợi đến kỳ họp HĐND TPHCM mới xem xét, điều chỉnh được.
Mục tiêu chung của chính quyền đô thị là tinh gọn hợp lý, năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường. Dù vậy, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường cũng bước đầu bộc lộ những khó khăn cho các địa phương khi triển khai thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết, giải quyết những phần việc cấp bách tại địa phương, trong đó thiếu chủ động trong việc điều hành ngân sách. Cụ thể, UBND các quận, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách. |
Ông VÕ KHẮC THÁI, Bí thư Quận ủy quận 7, TPHCM:Chờ cấp kinh phí,mất cơ hội thực hiện TPHCM có bố trí ngân sách cho quận nhưng mỗi năm, quận và phường có hàng ngàn đầu việc phải triển khai thực hiện, trong khi mọi hoạt động cần đến ngân sách đều phải trình xin ý kiến HĐND TPHCM nên rất mất thời gian, chưa tạo được động lực cho quận phát triển. ---------- Bà PHẠM THỊ HỒNG HÀ, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM: Kiến nghị cho phép dự phòng ngân sách cấp quận TPHCM đã báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính ngân sách, đảm bảo chủ động trong điều hành ngân sách của 16 quận. Trong đó, TPHCM đề xuất cơ chế đặc thù cho TPHCM, đối với ngân sách của 16 quận cho phép dự phòng ngân sách cấp quận; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương. |