Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thách thức của dịch bệnh cũng góp phần thúc đẩy quá trình vận động chuyển đổi số trong doanh nghiệp được diễn ra nhanh hơn. Theo đó, việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp “cứu nguy” để giải quyết đầu ra cho nhiều hàng hóa của các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm nay đã tăng 25,7% so với năm ngoái. Đối với các giao dịch mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu được xác lập qua phương thức truyền thống cũng dần thay thế bằng giao kết thông qua thương mại điện tử. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán hàng qua email, website, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội… liên tục tăng hàng năm.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số, đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp sống còn của các doanh nghiệp hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, doanh thu đã tăng hơn so với những doanh nghiệp vẫn kinh doanh theo kiểu truyền thống. Thời gian tới, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương triển khai dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phấn đấu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm 50%, các tỉnh thành còn lại đạt 50% vào năm 2025.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ngành thương mại điện tử cũng như những hoạt động tương tác, đã thay đổi rất nhiều so với 1-2 năm trước đây khi chưa có dịch. Đối với ngành xuất khẩu phát triển kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, thương mại điện tử vẫn phát triển theo chiều hướng tăng khoảng 30%. Trong thời gian dịch vừa qua, mặc dù các hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng thương mại điện tử vẫn phát triển.
Các chuyên gia kinh tế lưu ý, để đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số. Làm được điều này, người lãnh đạo phải đi tiên phong, đẩy mạnh việc liên kết được nhiều chuyên gia, phát triển các phương thức sản xuất mới, tích hợp các giải pháp công nghệ và có hệ thống quản lý dữ liệu… Cùng với đó, Việt Nam cần phải sớm xây dựng hệ thống công cụ và cơ chế truy vết sản xuất hàng hóa, sản phẩm; hàng hóa lên sàn phải có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh, tôn trọng luật pháp quốc tế. Qua đó để hàng Việt khi ra thị trường thế giới luôn được tin dùng và lựa chọn.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu ý kiến: "Chúng ta nên xem xét một cuộc cách mạng trong chính doanh nghiệp của mình, muốn tồn tại thì phải chuyển đổi. Muốn phát triển kinh tế số, thì phải trở thành doanh nghiệp số, phải lập ra kế hoạch về chuyển đổi số, và triển khai sớm số ứng dụng. Thứ hai là phải tích hợp được tất cả những ứng dụng đó để thiết kế ra được hệ thống thông minh trong hệ thống sản xuất của mình. Tiếp đến là phải chuyển đổi toàn diện cả về văn hóa doanh nghiệp, quy trình sản xuất doanh nghiệp. Theo đó, khi dữ liệu đều hướng về mọi hoạt động của doanh nghiệp thì lúc đó mới thành công".