Tìm đầu ra ổn định cho nông sản

(ĐTTCO) - Là tỉnh có nhiều loại cây, con giá trị hàng hóa cao và hệ thống giao thông thuận lợi, Đồng Nai có nhiều lợi thế để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu. 

Tuy nhiên tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, cơ chế chính sách chưa thông thoáng đã trở thành rào cản trong việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ xuất khẩu. 

Tỉa hoa cây thanh long trên cánh đồng lớn ở TP Long Khánh. Ảnh: VĂN HỢP

Tỉa hoa cây thanh long trên cánh đồng lớn ở TP Long Khánh. Ảnh: VĂN HỢP

Hình thành vùng nguyên liệu tập trung

Dạo một vòng xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) dễ bắt gặp những vườn tiêu rộng lớn, xanh mướt, dây tiêu to, khỏe khoắn, bám trên các trụ cây sống đang mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Hiện giá tiêu xấp xỉ 80.000 đồng/kg, người trồng tiêu phấn khởi sau nhiều năm giá tiêu chạm đáy. Khu vực dự án (DA) cánh đồng lớn có 847ha hồ tiêu, với 721 hộ tham gia, nước tưới được kéo vào tận vườn nhằm giữ độ ẩm tốt nhất cho đất. 

Hiện DA có 13,5ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 2,5ha sản xuất theo quy trình tiêu hữu cơ, đang triển khai nhân rộng 17,8ha và nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ là hồ tiêu Lâm San. Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, cho biết, từ năm 2018 đến nay, HTX Lâm San đã thu mua được 3.800/4.384 tấn tiêu của các hộ dân tham gia DA (đạt 87% so với đăng ký) với giá cao hơn 5.000-12.000 đồng/kg tiêu sạch, đảm bảo yêu cầu thị trường châu Âu. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, trong đó có 16 chuỗi liên kết theo DA cánh đồng lớn với 28 doanh nghiệp, HTX tham gia với tổng diện tích 5.521ha và hơn 100 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp; năng suất cây trồng tăng 30%-100% so với trước, giá cao hơn thị trường và phục vụ xuất khẩu.

Là thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước, Đồng Nai có đàn heo 2,1 triệu con, sản lượng thịt hơi hơn 606.000 tấn/năm, trong đó có 7 vùng an toàn dịch bệnh, 84 trại chăn nuôi an toàn với dịch tả heo châu Phi, 3 vùng GAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt) tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, TP Long Khánh. Tỉnh cũng có 42 cơ sở giết mổ bằng dây chuyền hiện đại, an toàn phục vụ xuất khẩu. Theo kế hoạch của tỉnh đến năm 2025, tổng đàn heo là 2,5 triệu con, sản lượng thịt xẻ đạt 364.000 tấn cung cấp cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.  

Tập trung chế biến sâu

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc xây dựng vùng chuyên canh còn gặp không ít khó khăn như thiếu cán bộ kỹ thuật, nước tưới, thiếu vốn đầu tư; tình trạng mua bán đất nông nghiệp diễn ra phổ biến ảnh hưởng đến vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, cánh đồng lớn… 

Theo ghi nhận, tại DA cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê 4C ở 2 xã Xuân Quế, Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) có diện tích hơn 100ha, 105 hộ dân tham gia triển khai từ cuối năm 2015. Do giá cà phê giảm mạnh, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên DA đã kết thúc. Còn tại DA cánh đồng lớn trồng tiêu xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), nguồn ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân 5,2 tỷ đồng, trong khi giá phân bón, cây giống tăng cao, khiến người trồng tiêu gặp khó khăn về vốn, không muốn tái đầu tư sản xuất. 

Để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, Đồng Nai đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cho cà phê như Nestlé Việt Nam đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén Nescafe Dolce Gusto công suất 2.500 tấn cà phê/năm tại KCN Amata; Công ty CP Cà phê Tín Nghĩa đầu tư nhà máy sản xuất cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm tại KCN Nhơn Trạch 3 và đang xây dựng 2 cụm công nghiệp điểm chế biến nông sản tại Phú Túc (huyện Định Quán), Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). 

Đồng Nai đang tiếp tục cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học góp phần đảm bảo sự tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp và tham gia tốt thị trường xuất khẩu; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản, thực phẩm để nâng giá trị gia tăng cho nông sản, hình thành vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu.

Triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm chuỗi cung ứng nông sản giai đoạn 2021-2025, Sở NN-PTNT Đồng Nai phối hợp Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM triển khai Đề án quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, trước khi đưa về tiêu thụ ở TPHCM; ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ thịt heo, thịt gia cầm, trứng, sản phẩm nông sản, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản.

Các tin khác