Tìm động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới

(ĐTTCO)-Theo TS Nguyễn Đình Cung,nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, động lực cho chu kỳ tăng trưởng 5 năm tới nằm ở cải cách thể chế và phân bổ hiệu quả các nguồn lực...

Các doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo hơn để tìm cơ hội thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua thách thức bởi dịch COVID-19. - Ảnh: TTO
Các doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo hơn để tìm cơ hội thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua thách thức bởi dịch COVID-19. - Ảnh: TTO

"Cải cách để kích hoạt các nguồn lực, các nguồn lực đến những dự án, nhà đầu tư tốt nhất sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững", ông Cung nhấn mạnh khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- COVID-19 bất ngờ ập đến đã làm tổn hại rất nhiều đến các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đại dịch sẽ tác động thế nào đến kế hoạch năm năm tới (2021-2015), thưa ông?

-Đúng là COVID-19 đã làm tác động lớn đến mọi nền kinh tế. Nhưng với sang năm và những năm tiếp theo thì tôi tin rằng GDP năm sau vẫn có thể tăng cao hơn mức 6,5%, hoặc cao hơn như thế, nếu như việc phân bổ và huy động nguồn lực được thực hiện một cách hiệu quả.

Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và làm ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế nhưng chúng ta vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong 9 tháng năm 2020. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.

- Nhưng đó là mục tiêu không đơn giản bởi COVID-19 không biết đến bao giờ mới hết, thưa ông?

-COVID-19 tạo ra cú sốc cho kinh tế toàn cầu nhưng tôi tin rằng đó chỉ là câu chuyện trong ngắn hạn mà thôi. Do đó, trong dài hạn tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại một lần nữa về việc phân bổ và huy động nguồn lực, nếu chúng ta phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả thì việc thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế cũng như giữ được tốc độ tăng trưởng là điều hoàn toàn có thể đạt được.

Đây cũng sẽ là động lực quan trọng cho quá trình cải cách kinh tế Việt Nam hiện nay. Vì sao? Vì hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư, thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng - PV) thời gian qua nhìn chung có cải thiện nhưng vẫn cần tới 6 đồng đầu tư để tạo ra 1 đồng tăng trưởng, trong khi ở thời điểm tương tự như chúng ta hiện nay, Hàn Quốc chỉ cần 4 đồng, Nhật Bản thậm chí chỉ cần 3 đồng. Tức là nếu sử dụng hiệu quả hơn, thì với tổng đầu tư toàn xã hội so với GDP trên 30%, thì chúng ta có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 9-10%, tương đương Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời kỳ kinh tế cất cánh.

Hiện tại, nguồn lực vẫn bị phân bổ theo hướng xin - cho, chưa đến được với những dự án, nhà đầu tư thực sự có hiệu quả, có năng lực. Nếu giải tỏa được điểm nghẽn cốt lõi này, các nguồn lực của nền kinh tế sẽ được kích hoạt. Đặc biệt, khu vực tư nhân cũng phát triển được lành mạnh vì người giỏi kinh doanh, có ý tưởng tốt sẽ tiếp cận được nguồn lực, cơ hội, chứ không phải là người “chạy giỏi”.

-Vậy, theo ông, đâu sẽ là động lực và trụ cột cho tăng trưởng nhanh và bền vững trung và dài hạn?

-Yếu tố quan trọng nhất quyết định và tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững trong trung và dài hạn chính là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục nâng cấp mức độ của thị trường. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển thị trường các nhân tố sản xuất là việc quan trọng cần phải tập trung làm.

Về trụ cột cho tăng trưởng, đương nhiễn vẫn sẽ phải tập trung các trụ cột kinh tế để từ đó phát huy hơn nữa vai trò của các khu vực kinh tế.

Theo đó, đầu tư nước ngoài vẫn là một trụ cột. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, đặc biệt dòng vốn từ những tập đoàn công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030 thì cách thức thu hút đầu tư nước ngoài phải thay đổi.

Cụ thể, việc xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế có quy mô lớn, hạ tầng thuận lợi và hệ thống logistics đủ năng lực cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài thay vì ép họ vào những khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy chưa đến 100% là vấn đề đáng lưu tâm. Chỉ cần một vài doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn, hàng đầu gia nhập thị trường Việt Nam thì đối tác, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu và công ty con của họ cũng đầu tư theo. Khi ấy, Việt Nam có thể đón nhận thêm làn sóng đầu tư mới.

Về khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực này có tiềm năng lớn, đang nắm giữ một khối tài sản rất lớn trong những ngành nghề kinh doanh chủ yếu của nền kinh tế.

Trong 10 năm vừa qua, đáng tiếc doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Và bây giờ là lúc chúng ta phải khơi dậy tiềm năng và tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, giải pháp ưu tiên áp dụng là phải mở rộng và trao đầy đủ quyền tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước, những người quản lý doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu để đánh giá hiệu quả.

Thêm nữa, những quy định nào đang kìm hãm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cũng cần được thay thế hoặc bãi bỏ. Nếu chúng ta cải thiện được hiệu qủa hoạt động doanh nghiệp nhà nước thì GDP có thể tăng thêm một vài điểm phần trăm.

Đối với khu vực kinh tế tư nhân, không có sự hỗ trợ, khuyến khích nào bằng cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; tháo bỏ mọi rào cản đối với quyền tự do kinh doanh, bảo vệ tốt quyền tự do và tài sản đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nói thì đơn giản nhưng để làm được điều này không hề dễ vì nó đòi hỏi thay đổi tư duy, cách thức, công cụ, năng lực quản lý nhà nước. Cải cách đó còn đụng chạm đến quyền và lợi ích của hệ thống quản lý nhà nước hiện nay.

-Những gì như ông nói chính là những việc cần phải làm để tiếp tục các bước của giai đoạn 35 năm đổi mới. Vậy, ngoài những vấn đề trên, theo ông, thời gian tới chúng ta cần phải chú ý thêm những điều gì?

-Trong phần việc kế tục của 35 năm cải cách, đổi mới, thì thị trường và thu hút nhân tài là 2 điểm chính. Ngoài ra, còn một nhánh khác cần ưu tiên là phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh hiện tại, thị trường hơn và thúc đẩy sáng tạo là hai nhánh của kinh tế thị trường.

Quản lý nhà nước hiện nay là làm theo quy định, nhưng đổi mới sáng tạo là không theo quy định hiện có, vậy cần phải có tư duy quản lý mới, cơ chế quản lý thúc đẩy sáng tạo… Nhà nước thêm một bước nữa cần thay đổi rất lớn.

Cùng với đó là cách ứng xử với các ngành nghề mới, công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong cách mạng 4.0. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nắm bắt, tận dụng tối đa cơ hội mở ra, phải hoàn thiện thể chế để mọi tổ chức, cá nhân chủ động tham gia cuộc cách mạng này.

Thời điểm hiện nay, rất cần hệ thể chế khuyến khích, đồng hành, nuôi dưỡng sức sáng tạo. Mấy năm qua chúng ta thấy rất rõ điều này khi các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam gặp rất nhiều trầy trật, thậm chí không làm được. Nhà nước cần gửi đi một thông điệp rõ ràng về vấn đề này. Tức là, khi chưa có quy định thì hãy cho người dân làm, thay vì chưa có quy định thì không cho làm.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác