Trao đổi với ĐTTC, ông HOÀNG XUÂN HÒA (ảnh), Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), cho biết đang hoàn thiện đề án tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và sẽ trình Bộ Chính trị trong tháng 2. Do đó, theo ông Hòa diễn đàn là cơ hội tiếp thu các khuyến nghị để bổ sung, hoàn chỉnh đề án:
Trong sáng 11-1 sẽ diễn ra phiên thảo luận 1 với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế - Triển vọng năm 2018”, với nội dung đề cập những vấn đề Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2018, như thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ ảnh hưởng ra sao đến thu, chi ngân sách? Vấn đề nợ công? Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2018 có khả thi và đâu là động lực cho tăng trưởng 2018…
Tiếp đó, phiên thảo luận 2 sẽ đề cập đến đổi mới mô hình tăng trưởng. Nội dung trọng tâm được đưa ra là thúc đẩy khu vực tư nhân để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc; những hạn chế của mô hình tăng trưởng hiện nay - làm thế nào để cải thiện năng suất…
Chiều 11-1 sẽ diễn ra 3 hội thảo chuyên đề về năng lượng xanh và phát triển kinh tế bền vững; cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa; cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư.
Đặc biệt, điểm nhấn của diễn đàn lần này là phiên đối thoại chính sách cấp cao ngày 12-1 với chủ đề: “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam - Những thách thức và động lực mới”, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đại diện các tổ chức uy tín và chuyên gia quốc tế như cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry; ông Michael Greene, Giám đốc quốc gia USAID Vietnam; GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản)...
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, các nội dung, khuyến nghị được đưa ra tại diễn đàn liệu có mâu thuẫn với những giải pháp hiện tại Chính phủ đang triển khai, thưa ông?
Ông HOÀNG XUÂN HÒA: - Vấn đề là khâu tổ chức thực hiện, cách thức tổ chức ra sao và những giải pháp đưa ra không khác biệt, mâu thuẫn với giải pháp Chính phủ đưa ra. Thí dụ, Nghị quyết 01 của Chính phủ đã ban hành 5 năm nay và đưa ra nhiều giải pháp mang tính định hướng, nhưng điều Ban Kinh tế Trung ương muốn đưa ra là những giải pháp được định lượng bằng các con số cụ thể.
Đọc các Nghị quyết 01 những năm gần đây, chúng ta không thấy có nhiều thay đổi, vẫn là tái cơ cấu, 3 đột phá. Những điều này đều đúng nhưng kết quả không phải lúc nào cũng hiệu quả. Vì thế, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổ chức thường niên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam để đồng hành cùng Chính phủ.
Điểm mới, khác biệt của diễn đàn là vừa có tính vĩ mô vừa có những chuyên đề cụ thể nhằm mổ xẻ sâu hơn, và chính các chuyên đề sâu đó mới là giải pháp cụ thể để mang lại hiệu quả cao nhất. Thí dụ, vấn đề về năng suất chúng ta đã nói rất nhiều, nhưng làm cách nào để tăng năng suất vẫn là câu hỏi cần có trả lời thỏa đáng hơn.
Vì thế, chúng tôi tổ chức chuyên đề này để chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, những người am hiểu về vấn đề năng suất của Việt Nam, về kinh nghiệm của họ và những giải pháp của Chính phủ có khác biệt hay không, về những góc nhìn thực tiễn và chính sách ra sao… Tiếng nói từ thực tiễn rất quan trọng vì họ là người thực hiện, triển khai giải pháp đưa ra.
- Được biết, Ban Kinh tế Trung ương đang xây dựng đề án phát triển nhanh và bền vững. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về đề án này?
- Việc phát triển nhanh và bền vững đã có chiến lược và có nghị quyết, nhưng nhiệm kỳ vừa qua việc triển khai không được hiệu quả như mong đợi. Chiến lược đã phê duyệt có gần 500 đầu mục cần thực hiện nhưng dàn trải. Vì thế, câu hỏi Ban Kinh tế Trung ương đưa ra và tìm giải đáp để tham mưu cho Bộ Chính trị, phát triển nhanh và bền vững tập trung vào cái gì, có chính xác dựa trên đổi mới, sáng tạo hay không?
Đổi mới, sáng tạo có thể thay đổi mô hình tăng trưởng về mặt lý thuyết nhưng thực tiễn Việt Nam áp dụng ở đâu? Vì thế, chúng tôi có các chuyên đề về năng lượng, năng suất… nhằm tìm ra đâu là trụ cột trong mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong bối cảnh, trào lưu cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay, câu hỏi là Việt Nam đã áp dụng chưa? Nhiều doanh nghiệp khi trao đổi có nói là đã áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 rồi. Vậy ngành, lĩnh vực nào Nhà nước sẽ hỗ trợ trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế hiện nay, cũng cần được làm rõ trong diễn đàn này.
- Thưa ông, tại diễn đàn lần 2 này, Ban Kinh tế Trung ương muốn đưa ra thông điệp gì?
- Những nội dung mà Ban đưa ra tại diễn đàn là để đồng hành, hỗ trợ cùng Chính phủ trong việc triển khai, kể cả tổ chức thực hiện để kết quả đảm bảo mục tiêu đề ra. Diễn đàn là chất liệu quan trọng để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện đề án tăng trưởng nhanh và bền vững trình Bộ Chính trị nhằm tìm ra câu chuyện tăng trưởng nhanh và bền vững.
Từ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần 2, chúng tôi sẽ tìm ra lời giải, tham mưu cho Bộ Chính trị để mỗi trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường sẽ có một “át chủ bài” - động lực chính - để thực thi chiến lược phát triển bền vững một cách hiệu quả nhất. |