Kết quả VN Index mất ngưỡng 1.000 điểm. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang trong giai đoạn “sợ hãi” và đây chính là thời điểm NĐT cần “tham lam” theo trường phái đầu tư của tỷ phú Warren Buffett. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia tài chính xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể đưa ra những lý do về việc VN Index có đợt điều chỉnh mạnh kể từ tháng 4 đến nay?
TS. ĐINH THẾ HIỂN: - Rất khó có câu trả lời chính xác nhất để lý giải cho đợt điều chỉnh của thị trường. Song lý do đầu tiên có thể thấy khi VN Index trải qua đợt thăng hoa và vượt mốc lịch sử 1.200 điểm, thị trường chắc chắn sẽ điều chỉnh trước áp lực chốt lời từ phía các NĐT.
Kế đến là lo ngại về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thắt chặt tỷ lệ cho vay ký quỹ từ tháng 6, khiến dòng tiền vào TTCK không còn dồi dào như trước. Điều đáng nói, trong đợt điều chỉnh lần này, ngoài yếu tố nội tại, VN Index gặp thêm bất lợi từ những rủi ro bên ngoài.
Chẳng hạn, rủi ro về cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, thị trường liên tiếp đón nhận những thông tin không tích cực, như lợi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam đã xuống mức thấp nhất và tương đương với lợi suất trái phiếu chính phủ của Hoa Kỳ; khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2018, khiến khối ngoại rút vốn khỏi TTCK Việt Nam.
Từ một TTCK tăng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, VN Index bất ngờ điều chỉnh mạnh và trở thành thị trường lao dốc mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa giảm đến mức “sợ hãi” và vẫn có nhiều mã CP đáng để đầu tư ở thời điểm hiện tại. |
Nếu so với mức đáy của năm 2016, VN Index đã đạt mức tăng đến 130%. Lẽ dĩ nhiên, nếu không có câu trả lời thỏa đáng cho mức tăng nóng này sẽ không thể có câu trả lời chính xác nhất cho đợt điều chỉnh hiện tại. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường lao dốc vì trước đó tăng quá mạnh. Tuy nhiên, lý giải này cũng không thật sự hợp lý.
Bởi lẽ, đợt điều chỉnh này không chỉ có những mã chứng khoán tăng mạnh trước đó mà có cả những mã CP không hề tăng trong đợt thăng hoa vừa qua. Thậm chí, đợt điều chỉnh này còn kéo theo CP của các doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh tích cực và ổn định. Điều đáng nói, khi thị trường đi lên, những mã CP này đứng bên lề cuộc chơi vì thiếu bàn tay của các đội lái.
Nay những mã CP này bị vạ lây là điều hết sức bất công, nhất là đối với những NĐT giá trị và cả những quỹ đầu tư chuẩn mực.
- Sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là thời điểm để mua vào theo như trường phái của NĐT bậc thầy Warren Buffett. Đó là “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi”?
- Ở thời điểm hiện nay sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, đã có nhiều CP “tử tế” có thể mua đầu tư trung hạn khá tốt. Thế nhưng, theo tôi bây giờ chưa phải vào giai đoạn “thị trường sợ hãi” theo chuẩn mực của Warren Buffett.
Nguyên nhân là trong đợt điều chỉnh lần này, thị trường vẫn còn những phiên phục hồi ấn tượng sau đó. Đơn cử là phiên giao dịch ngày 23-5 hay phiên giao dịch ngày 29-5. Những phiên đảo chiều như thế này chứng tỏ thị trường vẫn có lực cầu bắt đáy mạnh, NĐT lướt sóng vẫn nhận thấy cơ hội nếu nắm bắt được xu hướng của thị trường.
Trong khi đó, theo trường phái của Warren Buffett, “thị trường sợ hãi” khi chỉ số chứng khoán đánh mất 20-50% so với giá hợp lý. Đây là thời điểm đa số NĐT chỉ muốn bán ra cắt lỗ càng sớm càng tốt, không dám mua vào bắt đáy. Hay nói cách khác, đó là lúc khi nhắc đến chứng khoán NĐT cảm thấy “ngán đến tận cổ”.
Khi đó, thị trường mới thật sự “sợ hãi”, nhưng lại chính là thời điểm vàng để Warren Buffett ung dung chọn lựa những CP thật tốt để “ôm và chờ ngày mai tươi sáng”.
- Theo ông, VN Index sẽ giảm đến mức nào TTCK Việt Nam mới bước vào giai đoạn “sợ hãi”?
- Có thể lấy VN Index đầu năm 2017 (672 điểm), nhân với mức tăng bình thường 12% (cao gấp 50% lãi suất gửi ngân hàng). Như vậy, mức điểm hợp lý của VN Index là 752 điểm. Do vậy, nếu VN Index giảm xuống mức 600 điểm mới thỏa mãn điều kiện “thị trường sợ hãi” của tỷ phú Warren Buffett.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa NĐT phải chờ cho đến khi VN Index giảm về mức 600 điểm mới “xuống tiền”. Hiện tại đã có nhiều CP đang trở về mức giá hết sức hấp dẫn, thậm chí nhiều mã đã giảm về mức về mức đáy 2 năm. Hiện nay nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia mới nổi trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, VN Index đang khá rẻ.
Ngoài Thái Lan, TTCK Việt Nam còn rẻ hơn nhiều so với các quốc gia còn lại khi sử dụng độ chênh lệnh giữa lợi suất của TTCK và lợi suất trái phiếu chính phủ 3 năm.
- Ông có thể đưa ra nhận định về diễn biến của TTCK trong thời gian tới?
- Thị trường vẫn đang trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, do nhiều mã CP có vốn hóa lớn vẫn còn dư địa giảm sau đợt tăng vũ bão trước đó. Kịch bản tích cực xảy ra nếu dòng tiền vào thị trường tạo ra phiên bắt đáy có khối lượng giao dịch lớn, sẽ tạo nên tâm lý hưng phấn lan tỏa, giúp thị trường tích lũy và tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.
Ngược lại, kịch bản tiêu cực xảy ra khi dòng tiền vẫn yếu như ở thời điểm hiện tại, khiến thị trường tiếp tục giảm sâu trong thời gian dài.
Theo đó, tâm lý thị trường sẽ trở nên tiêu cực khiến thị trường chung mất nhiều thời gian để tích lũy, sẽ đi ngang chờ thông tin hỗ trợ trước khi tăng lại. Giai đoạn tích lũy có thể kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn tùy mức độ điều chỉnh của chỉ số.
- Xin cảm ơn ông.