Kinh nghiệm của Trung Quốc và Singapore
Các TP ở Đông Nam Á hiện nay được coi là tâm điểm của dịch Covid, đều có dân số trên dưới 10 triệu người, như Bangkok (11 triệu), TPHCM (13 triệu), Manila (11,5 triệu), Jakarta (12,5 triệu).
Những nơi xuất phát của dịch và nhanh chóng trở thành điểm nóng là các quận đông dân cư và có mật độ dân số rất cao, thường từ 20.000-25.000 người/km2, thậm chí cao hơn nữa như ở TPHCM mật đô dân số trung bình quận 10 là 65.000 người/km2, quận 11 là 64.000 người/km2, quận 4 là 48.500 người/km.
Do vậy, các nhà đô thị học, kiến trúc sư (KTS) đều tính đến thiết kế các TP vừa và nhỏ, các đại đô thị hàng chục triệu dân có lẽ không còn phù hợp nữa. Còn nếu tính đến các đại đô thị, đó là tổ hợp của nhiều TP nhỏ chừng vài trăm ngàn dân hợp lại, mỗi TP là một đơn vị độc lập, giữa chúng có khoảng giãn cách tự nhiên là những cánh rừng rộng, con sông, cánh rừng hay những khoảng xanh lớn có vai trò như vành đai xanh, để khi cần có thể cô lập từng TP.
Đại dịch Covid 19 bắt đầu từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và hoành hành dữ dội ở đất nước hơn 1,4 tỷ dân này. Nhưng rồi Trung Quốc là một trong số các quốc gia đối phó hiệu quả nhất với dịch.
Trong khi ở nhiều nước dịch tái xuất trên diện rộng tới 3, 4 lần, ở Trung Quốc chỉ có 2 lần, lần thứ nhất là ở Vũ Hán vào 12-2019, mãi đến 20-7-2021 mới xuất hiện lần thứ 2 tại TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Nhưng chỉ sau 30 ngày, nước này đã khống chế được làn sóng dịch thứ 2 này và trở về trạng thái bình thường mới.
Nguyên nhân để làm nên thành công này là thể chế thống nhất, kỷ luật nghiêm khắc, người dân có ý thức… Nhưng có một lý do quan trọng là tổ chức không gian sống của các TP Trung Quốc giúp họ làm được điều này.
Các TP của Trung Quốc trước 1990 đều có cấu trúc giống nhau, đa phần là những khu nhà cấp 4 mái tôn, lợp giấy dầu lụp xụp chen chúc, hoặc các dãy phố shophouse chạy mút tầm mắt, đường phố hẹp, ngoằn ngoèo. Khi tiến hành cải cách, mở cửa, Trung Quốc đồng thời tiến hành cấu trúc lại tất cả TP, dẹp bỏ các kiểu cư trú cũ, đưa tất cả dân cư vào sống trong các chung cư cao tầng, cao ốc hiện đại, bao quanh là công viên cây xanh rộng lớn. Chính kiểu cư trú nén này giúp Trung Quốc kiểm soát dịch rất tốt.
Khi dịch xuất hiện, các nhóm công tác có thể tầm soát phát hiện sớm nhanh không bỏ sót một ai trong các chung cư. Còn khi phát hiện ra ca F0 có thể dễ dàng cách ly và kiểm soát được 1 block, 1 tầng gồm nhiều căn hộ. Do cấu trúc chung cư chỉ có một đường ra vào, một số cầu thang máy, cầu thang bộ, nên kiểm tra, kiểm soát, điều phối rất hiệu quả.
Từ kinh nghiệm Singapore cũng cho thấy điều này. Tháng 4-2020, tưởng như nước này đã khống chế được dịch và chuẩn bị bãi bỏ lệnh giãn cách, đột nhiên dịch bùng phát trở lại ở các ký túc xá nơi sinh sống của gần 600.000 dân lao động nhập cư từ các nước châu Á.
Các ký túc xá này thiếu tiện nghi, hàng ngàn người sống chen chúc trong không gian hẹp, 8-12 người sống trong 1 phòng và đấy chính là môi trường thuận tiện cho virus phát tán, khi phát hiện ra hơn 60% số lao động này bị nhiễm. Mới đây nhất, chính phủ Singapore quyết định phá bỏ các khu nhà ở công nhân nước ngoài, xây mới với chỉ 3-4 công nhân 1 căn hộ khép kín.
Gợi ý cho các nhà quy hoạch TPHCM
Kinh nghiệm rút ra từ dịch Covid-19 được coi là những gợi ý cần thiết cho các nhà quy hoạch, KTS và nhà thiết kế. |
Các dãy phố kết hợp bởi các căn nhà trệt hình ống sát vách nhau kéo dài, không có khoảng ngắt, không có không gian xanh xen kẽ. Thậm chí 2 dãy nhà song song nhưng con đường hẻm quá nhỏ chỉ chừng 1m, tức nhỏ hơn quy định giãn cách tối thiểu 2m, như thế việc giãn cách, cách ly là bất khả thi. Có nhiều con hẻm ở quận 5, 6, 8, 10, 11 nhỏ đến mức 2 người đi phải nghiêng người mới lọt.
Trong hoàn cảnh đó việc giãn cách nhà với nhà, hẻm với hẻm, phường với phường dường như không thể. Nhiều nơi mang tiếng là giãn cách, nhưng người ngồi nhà này nói chuyện với người bên nhà đối diện chỉ một tầm tay.
Chính vì thế ở TPHCM, Hà Nội, Bình Dương và một vài nơi khác buộc phải đưa bớt dân cư ra khỏi địa bàn nhằm giảm số lượng người, giảm mật độ dân cư, pha loãng môi trường phát tán dịch.
Chẳng hạn, chính quyền Hà Nội phải đưa khoảng 1.200 người dân sống ở phường Thanh Xuân Trung đi nơi khác trong 14 ngày. TPHCM cũng đưa 2.000 dân sống ở các khu nhà tạm bợ, chật chội ở quận Bình Thạnh đi nơi khác, điều này cũng được thực hiện ở quận 4, quận 5, Bình Tân, Tân Phú. Việc di dời một bộ phận dân cư ra khỏi cộng đồng đông đúc mới có thể thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, làm giảm nguồn lây.
Từ thực tế này, các nhà quy hoạch, các KTS ở Đông Nam Á, trong đó có Hà Nội, TPHCM cần tính đến bài toán tái cấu trúc không gian sống tương tự Trung Quốc.
Theo đó, phá bỏ dần các khu dân cư thấp tầng, có mật độ xây dựng cao và dân số dày đặc, chen chúc, lụp xụp, được phát triển theo phương vị ngang, chiếm dụng quá nhiều đất, chuyển sang hình thái cư trú mới là nén vào các tòa nhà cao tầng hiện đại, các cao ốc thông minh (sử dụng IT, IOT, AL), có không gian xanh lớn, độ giãn cách giữa các công trình xây dựng lớn. Chính mô hình này sẽ làm giảm thiểu các rủi ro khi xảy ra ở đô thị như cháy nổ, dịch bệnh.
Đợt dịch lần thứ 4 cho thấy các chung cư hiện đại xây dựng từ 2015 đến nay ở TPHCM như các chung cư của Novaland, Hưng Thịnh, Phúc Khang… khi có dịch xảy ra khống chế được rất nhanh. Việc khống chế này thực hiện theo từng tầng, từng căn hộ, do chỗ cư dân chỉ có thể đến được tầng của mình nên việc phong tỏa 5-7 hộ trong 1 tầng rất khả thi.
Việc tái cấu trúc đô thị như đề cập trên đây là cần thiết, song không phải muốn là làm ngay được, còn tùy vào bối cảnh kinh tế- xã hội, nhưng cần đưa vào dữ liệu và tiêu chí quốc gia để khi có cơ hội cần tiến hành. Đặc biệt khi xây dựng các khu đô thị mới, các kinh nghiệm rút ra từ dịch Covid-19 được coi là những gợi ý cần thiết cho các nhà quy hoạch, KTS và nhà thiết kế.