Tôm Việt cơ hội gia tăng thị phần giữa đại dịch

(ĐTTCO) - Do dịch bệnh, người tiêu dùng có xu hướng chế biến các món ăn tại nhà, dẫn đến nhu cầu các mặt hàng dễ chế biến ngày càng tăng. Đặc biệt, sự kiện Trung Quốc phát hiện virus Corona trong một số lô hàng tôm từ Ecuador đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng thị phần.
Tôm Việt cơ hội gia tăng thị phần giữa đại dịch
Theo thống kê của Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu các mặt hàng tôm trong nửa đầu năm 2020 đạt 1,52 tỷ USD (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản tăng 29% và 2%, nhưng lại giảm 24% và 3% tại thị trường EU và Hồng Kông (Trung Quốc).
Do dịch bệnh, người tiêu dùng có khuynh hướng nấu ăn tại nhà nhiều hơn và hạn chế ăn ngoài, dẫn đến nhu cầu các mặt hàng dễ chế biến ngày càng tăng. Với lợi thế tay nghề chế biến tôm cao hơn so với các đối thủ, Việt Nam đang có lợi thế hơn. Xu hướng này thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu tôm nguyên liệu gần như không thay đổi với mức tăng 1%, nhưng xuất khẩu tôm chế biến tăng 13%.
Ngược lại, do nhu cầu của phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm (nhà hàng, quán bar, sòng bạc, tàu du lịch) kéo theo nhu cầu về tôm thẻ chân trắng tăng trong khi nhu cầu tôm sú giảm (giá tôm thẻ chân trắng thấp hơn so với tôm sú). Cụ thể, giá trị xuất khẩu của tôm thẻ chân trắng 6 tháng đầu năm tăng 11%, trong khi tôm sú giảm 15%. 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh 20% trong tháng 5 và 29% trong tháng 6. Do các chuyến hàng sang Mỹ thường mất 1 tháng vận chuyển nên xuất khẩu tôm Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi giữa bối cảnh đại dịch trong quý III.
Tuy nhiên, giá bán tôm có khả năng chịu áp lực giảm sau khi Trung Quốc phát hiện virus corona trong một số lô hàng từ 3 công ty lớn của Ecuador trong tháng 7 vừa qua. Sự kiện này khiến cho người tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này bắt đầu e ngại sử dụng tôm từ Ecuador và nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tạm ngưng nhập khẩu tôm từ nước này. 
Ecuador là nhà sản xuất tôm lớn thứ 2 thế giới, chủ yếu xuất khẩu tôm nguyên liệu và Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Ecuador (chiếm 70% lượng tôm xuất khẩu hàng năm), các nhà sản xuất tôm của quốc gia này đã phải chào giá thấp hơn ở các thị trường khác để giải quyết vấn đề đầu ra. 
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), đây có thể là cơ hội ngắn hạn cho tôm Việt Nam trong những tháng tới. Việt Nam được cho rằng sẽ giành được thị phần từ Ấn Độ và Ecuador, 2 đối thủ cạnh tranh chính do các nước này kiểm soát dịch kém và phải áp dụng cách ly toàn xã hội trong thời gian vừa qua. 

Các tin khác