Theo Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng, sau 12 năm thực hiện nghị định về quản lý giá vàng đã mang lại thành công nhất định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết, năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và vàng miếng của SJC được chọn làm thương hiệu quốc gia. Cũng từ thời điểm này, công ty SJC không được nhập khẩu vàng, không được dập vàng miếng và chỉ được dập vàng móp.
"Sau 12 năm là thương hiệu quốc gia, nhưng doanh nghiệp không có lợi ích gì", Tổng giám đốc SJC nêu. Bà dẫn chứng, năm 2012, thời điểm chưa có Nghị định 24, vốn sở hữu của SJC là 400 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng/năm. Từ sau 2012, mức lãi sụt giảm mạnh còn vài chục tỷ đồng. Cũng theo bà Hằng, trước khi Nghị định ra đời chưa bao giờ có tình trạng cầu vượt cung, chênh lệch giá vàng như vậy.
Về thị trường vàng hiện tại, bà Lê Thúy Hằng cho biết, do nguồn cung không có, nhu cầu lại quá lớn, và là doanh nghiệp kinh doanh vàng nên SJC phải cân đối. Nhiều doanh nghiệp vàng treo bảng giá mà có thể không bán. Nhưng đối với SJC, doanh nghiệp của TP.HCM, doanh nghiệp nhà nước nên phải buộc có giải pháp, tức là cân đối bán cho mỗi người 1 lượng để có nguồn cung cho thị trường. SJC không bao giờ có chuyện người dân đến mua mà không bán, đến bán mà không mua.
SJC sẽ tiếp tục tham gia các phiên đấu thầu vàng miếng; trường hợp gặp khó khăn nhất doanh nghiệp sẽ báo cáo cấp thẩm quyền để đảm bảo nguồn cung do vậy người dân cũng nên cân nhắc, lựa chọn thời điểm mua bán để tránh thiệt thòi.
Liên quan đến Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Tổng giám đốc SJC đề xuất Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vàng được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung.
Khi đó, người dân dựa vào uy tín, thương hiệu doanh nghiệp để lựa chọn mua sản phẩm. Đồng thời, bà đề nghị cho doanh nghiệp được nhập vàng để có nguồn nguyên liệu, giúp tránh tình trạng nhập lậu vàng.