Chiều 25-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án, báo cáo Quốc hội xem xét cho thí điểm có thời hạn chính sách đầu tư dự án nhà ở xã hội, nếu phát huy hiệu quả mới quy định vào luật.
Trước đó, ngày 3-8, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất họ chỉ thực hiện dự án nhà ở với tư cách cơ quan chủ quản, không trực tiếp là chủ đầu tư dự án. Dự án nhà ở xã hội này chỉ cho thuê, không bán và dùng tài chính công đoàn làm vốn thực hiện, đầu tư. Nhà ở cho thuê được quản lý, vận hành như với nhà do Nhà nước đầu tư.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, do đây là vấn đề mới nên đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án, báo cáo Quốc hội xem xét cho thí điểm có thời hạn chính sách đầu tư dự án nhà ở xã hội, nếu phát huy hiệu quả mới quy định vào luật.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không đồng tình quy định Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân vì không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức chính trị xã hội này.
“Việc này nên giao cho UBND cấp tỉnh làm, Tổng Liên đoàn không nên “ôm” vào”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khuyến nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chia sẻ quan điểm với Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và đề nghị có đánh giá tác động toàn diện vấn đề này.
Có góc nhìn hơi khác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, giao nhiệm vụ này cho Tổng Liên đoàn Lao động “cũng rất tốt”, vì Tổng Liên đoàn Lao động là tổ chức được quy định trong Hiến pháp. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, nếu được giao nhiệm vụ đầu tư phát triển nhà ở xã hội thì Tổng Liên đoàn Lao động cũng thể hiện được chức năng hỗ trợ công nhân một cách thiết thực nhất. Tuy nhiên, cơ quan này cần hoàn thiện đề án rõ ràng hơn, thuyết phục hơn.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu Tổng Liên đoàn Lao động thực sự quyết tâm làm thì có thể chỉnh lý lại quy định tại dự thảo luật theo hướng: Tổng Liên đoàn Lao động được tham gia đầu tư nhà ở xã hội để cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê, thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng sản xuất kinh doanh. “Dù có giao đi nữa thì cũng không thể để vênh với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Một điểm mới quan trọng khác trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sau khi chỉnh lý là đã bỏ quy định cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư là ngành kinh doanh có điều kiện, nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, đồng thời đảm bảo sự thống nhất với Luật Đầu tư.