Phát biểu tại một cuộc họp quốc hội ở Moscow với sự tham dự của các nhà lập pháp từ các nước châu Phi, ông Putin nhấn mạnh rằng, Nga mong muốn tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của mình như một phần của thỏa thuận.
“Việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen một cách công bằng và toàn diện chỉ có thể được đảm bảo nếu lập trường của chúng tôi được tính đến, và tùy thuộc vào đó, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia vào thỏa thuận đó”, ông Putin cho biết.
Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận vào tháng 7/2022 cho phép Ukraine - một trong những vựa lúa mì quan trọng của thế giới - vận chuyển thực phẩm và phân bón từ ba cảng ở Biển Đen của nước này. Thỏa thuận kéo dài 120 ngày trước đó đã được gia hạn vào tháng 11/2022 và Nga đã đồng ý gia hạn lại khi hết hạn vào thứ Bảy (18/3/2023) và lưu ý rằng họ chỉ chấp nhận gia hạn thêm 60 ngày.
Nga đã bày tỏ sự thất vọng rằng một thỏa thuận song song đã không mở ra hoàn toàn cánh cửa cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga qua Biển Đen. Tuy nhiên, các lô hàng lúa mì tổng thể của Nga đã ở mức hoặc gần mức cao kỷ lục trong tháng 11/2022, tháng 12/2022, tháng 1/2023 và đã tăng 24% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, 24 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm đã được chuyển đến 45 quốc gia theo thoả thuận đã giúp hạ giá lương thực toàn cầu và ổn định thị trường.
Tổng thống Putin nói thêm rằng, nếu Nga quyết định không gia hạn thỏa thuận sau 60 ngày thì sẽ sẵn sàng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các nước châu Phi.
Giá lương thực đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu cũng liên quan đến những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và các yếu tố khí hậu như hạn hán.
Sự gián đoạn trong việc vận chuyển ngũ cốc đã làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế và góp phần đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh nghèo đói hoặc mất an ninh lương thực. Người dân ở các nước đang phát triển chi nhiều tiền hơn cho những thứ cơ bản như thực phẩm.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, cuộc khủng hoảng đã khiến khoảng 345 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.