Chủ tịch Hội đồng quản trị Osamu Nagayama, người đã bị một số nhà đầu tư phản đối công khai. Sự ra đi của ông đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến dịch kéo dài nhiều tháng của cổ đông lớn nhất Effissimo Capital Management, để thăm dò sự quản trị của công ty.
Đã có một cuộc điều tra được thúc đẩy bởi những cáo buộc Nagayama thông đồng với các quan chức chính phủ hàng đầu Nhật Bản, để ảnh hưởng đến việc lựa chọn hội đồng quản trị năm ngoái.
Cuộc điều tra phát hiện ra rằng tập đoàn công nghiệp đang gặp khó khăn này "đã nghĩ ra một kế hoạch để ngăn chặn các cổ đông thực hiện quyền đề xuất cổ đông và quyền biểu quyết của họ" tại một cuộc họp vào tháng 7-2020.
Cũng tại cuộc họp đó, các nghị quyết của các cổ đông hoạt động đã bị bác bỏ. Bên cạnh đó, Toshiba lại chủ trương theo đuổi sự can thiệp từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).
Có thể nói, việc Osamu Nagayama bị lật đổ được coi là “rất bất thường” đối với nền văn hóa doanh nghiệp bảo thủ và nghiêm khắc thường thấy của Nhật Bản. Trong nhiều thập kỷ, các tập đoàn như Toshiba đã được điều hành với một “nguyên tắc cơ bản”, là ít quan tâm đến lợi ích của các cổ đông tư nhân.
Nhưng chỉ trong vòng vài năm qua, các nhà đầu tư hoạt động đã “lật ngược thế cờ”, đi từ việc là những người ngoài cuộc trở thành những tiếng nói có ảnh hưởng trong các cuộc họp đại hội đồng thường niên của công ty. Họ ngày càng linh hoạt và tạo ra nhiều sức mạnh trong quá trình cải cách quản trị công ty, thúc đẩy giá trị cổ đông bên ngoài.
“Chúng tôi hy vọng rằng đại hội cổ đông hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới tại Toshiba - một kỷ nguyên sẽ được đánh dấu bằng việc tập trung vào việc tạo ra giá trị, tính minh bạch cho tất cả các bên liên quan, và cam kết mới trong việc xây dựng niềm tin với các cổ đông”, 3D Investment Partners, một trong những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lớn nhất của Toshiba, cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu Châu Á của United First Partners ở Singapore, cho rằng: “Kết quả này là dấu hiệu của một sự thay đổi mô hình ở Nhật Bản, và sẽ khuyến khích các nhà đầu tư hoạt động cho dù là nước ngoài hay trong nước”.
Trong quá khứ, Toshiba từng đã phát minh ra bộ nhớ flash cách đây ba thập kỷ, nhưng buộc phải bán phần lớn mảng kinh doanh chip được đánh giá cao vào năm 2018, vì thua lỗ trong hoạt động năng lượng hạt nhân.
Một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với Toshiba, là tương lai của Kioxia, bộ phận chip nhớ mà họ vẫn giữ cổ phần lớn nhất, một trong những tài sản còn giá trị nhất của họ. Hãng tin Bloomberg đã đưa tin, công ty sản xuất chip nhớ flash NAND này đang xem xét niêm yết cổ phiếu, và có thể được định giá hơn 36 tỷ USD trên thị trường hiện tại.
Hideki Yasuda, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Ace, cho rằng: “Một thời gian thực sự khó khăn đang ở phía trước đối với Giám đốc điều hành Tsunakawa và Toshiba, trong việc cải thiện tình hình quản trị rối ren của công ty. Bởi việc tìm người cho những chiếc ghế trống có thể sẽ vô cùng khó khăn”.