TPHCM: Giao thông phát triển đi trước, du lịch bùng nổ theo sau

(ĐTTCO) - TPHCM là một trong số ít địa phương có số lượng sản phẩm du lịch lớn. Tuy nhiên, để du lịch TP thực sự bứt tốc vẫn cần có sản phẩm chất lượng, đặc trưng để nhắc đến là nhớ, khách đến phải trải nghiệm.

Trụ sở UBND TPHCM - Một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, được đưa vào chương trình tham quan đã tạo điểm nhấn đặc biệt cho sản phẩm du lịch TPHCM
Trụ sở UBND TPHCM - Một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, được đưa vào chương trình tham quan đã tạo điểm nhấn đặc biệt cho sản phẩm du lịch TPHCM

Xây dựng chuỗi sản phẩm mới

Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TPHCM là điểm nhấn đặc biệt trong loạt sản phẩm du lịch của TP. Lần đầu tiên di tích này mở cửa đón du khách, sau 2 ngày đã có hơn 1.500 lượt khách trong nước và quốc tế vào tham quan.

Từ kết quả tích cực đó, Sở Du lịch TPHCM đã đề xuất 3 phương án tổ chức chương trình tham quan di tích này, với mục tiêu có thể mở thêm nhiều đợt trong năm 2023 đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Có thể thấy, từ thời điểm du lịch chính thức mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, ngành du lịch TPHCM đã nỗ lực không ngừng để thu hút du khách.

Đó là việc xây dựng chuỗi sản phẩm mới với chiến lược “mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Hiện TPHCM là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm du lịch lớn. Thống kê của Sở Du lịch TPHCM tính đến thời điểm hiện tại, TP có 366 tài nguyên du lịch. Ngành du lịch đã kết nối, giới thiệu hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó có 30 sản phẩm mới của các quận huyện, góp phần phong phú, đa dạng sản phẩm.

Từ những sản phẩm này các doanh nghiệp (DN) đang tung ra nhiều chương trình tour nội đô hấp dẫn, không chỉ thu hút du khách từ các tỉnh, thành, khách quốc tế, còn đẩy mạnh trào lưu “người TP đi du lịch TP”.

Thực tế, việc thu hút du khách TP tham gia các tour nội đô là điều không ít DN du lịch đã từng nhắc tới. Trong một lần chia sẻ cùng ĐTTC, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle, nhận định với quy mô dân số hơn 10 triệu người, lâu nay TPHCM luôn được xem là thị trường khách nguồn cho các điểm đến trong và ngoài nước.

Nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia… đều đặt văn phòng đại diện du lịch tại TPHCM. Vì thế, ngoài việc nỗ lực hút khách trong nước và quốc tế, việc đẩy mạnh khai thác khách nội vùng, các chuyên gia người nước ngoài sống và làm việc tại TP không thể bỏ qua trong phát triển du lịch. “Hãy thúc đẩy họ đi ra khỏi nhà để tham quan nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn” - ông Huê nhấn mạnh.

Với những nỗ lực liên tục, so với cùng kỳ năm ngoái, 4 tháng đầu năm TP đã thu hút hơn 1,38 triệu lượt khách quốc tế, tăng trên 1.100%. Đồng thời, đón hơn 10,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 54%. Du lịch phục hồi góp phần đem lại tổng doanh thu cho TPHCM hơn 51.000 tỷ đồng (tăng 75,5%).

Tính riêng dịp lễ 30-4 và 1-5, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí khoảng 950.000 lượt, tăng 126,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch nội địa khoảng 320.000 lượt, tăng 71,1%; khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú khoảng 180.000 lượt, tăng 89,5%. Công suất phòng ước đạt 70-75%. Khách quốc tế tới dịp này khoảng 48.000 lượt, tăng mạnh 263,6%. Doanh thu ước đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Vẫn thiếu sản phẩm đặc trưng

Một trong những nút thắt lâu nay của ngành du lịch TP, là làm sao xây được sản phẩm du lịch đặc trưng, mang về giá trị gia tăng cao. Bởi nguồn lực dành cho du lịch có hạn nên cần có chiến lược dài hạn cho thế mạnh riêng có của TP. Nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm là đáng quý, nhưng đôi khi quá nhiều sản phẩm lại dễ thành không có gì đáng nhớ cho du khách.

Ông Phan Đình Huê cho rằng sản phẩm du lịch TP cần có thêm sức nặng để du khách được trải nghiệm nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, từ đó quay lại du lịch nhiều hơn. Nói cách khác cần những “cú đấm” mạnh cho du lịch TPHCM.

Với quan niệm rõ ràng rằng du lịch mang khách đến, các nước như Thái Lan hay Nhật Bản đã có nhiều chính sách nhằm hạ giá tour, khi khách đến sẽ thu tiền từ các dịch vụ như mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí… nhưng vẫn khiến khách cảm thấy thoải mái, vui vẻ và muốn quay trở lại nhiều lần.

Trong khi đó, tại TPHCM vẫn đang vắng bóng các sản phẩm như vui chơi giải trí, mua sắm… nhất là sản phẩm du lịch đêm - câu chuyện không mới trong ngành du lịch nhưng đến nay vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng. Hay như phát triển du lịch ẩm thực cũng đang bỏ ngỏ, dù TPHCM là nơi hội tụ của nhiều nền ẩm thực khắp 3 miền và nhiều món ăn lọt top những món ngon thế giới.

Trong buổi gặp với Sở Du lịch và các DN du lịch cách đây chưa lâu, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của TP, cần có sự chia sẻ để tạo ra chuỗi sản phẩm, tạo lợi nhuận cao nhất. Với nguồn lực còn hạn chế không nên ôm đồm và dàn trải, mà nên tập trung. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần đầu tư sản phẩm chất lượng, có chiều sâu để có giá trị gia tăng lớn hơn.

Có lẽ những người làm trong ngành du lịch không phải không nhìn ra những hạn chế, song để khắc phục cũng không đơn giản. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết có những hạn chế từ nội tại của cơ quan quản lý ngành du lịch, nhưng cũng không ít khó khăn xuất phát từ đặc trưng của ngành du lịch là ngành “kinh tế tổng hợp”, có “liên ngành, liên vùng, liên cấp, liên cơ quan”.

Theo bà Hoa, cơ sở hạ tầng cho giao thông nói chung và cho du lịch nói riêng vẫn còn bất cập. Thí dụ, sản phẩm du lịch đường thủy vẫn còn thiếu bến thủy, cầu tàu; hay TP vẫn chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế…

Đồng tình với nhận định này, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn, khẳng định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên khu vực, nên để phục hồi phát triển du lịch TPHCM rất cần sự phục hồi, phát triển của các ngành kinh tế khác.

“Giao thông phát triển đi trước, sản phẩm du lịch sẽ phát triển theo sau. TPHCM cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông du lịch như hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, hệ thống cảng du lịch tàu biển, tàu sông chuyên dụng…”- ông Tài chia sẻ.

Du lịch TPHCM sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu năm nay đón 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt khoảng 160.000 tỷ đồng.

Các tin khác