Du khách đến TPHCM không chỉ để nhìn nhà cao tầng, nhưng cái họ muốn ngắm lại thiếu

(ĐTTCO) - So với các nước trong khu vực, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có thời gian cư trú ít ngày hơn và tiêu ít tiền hơn. So với Hà Nội, khách quốc tế ở lại TPHCM ít ngày hơn và chi tiêu ít hơn. Thường họ chỉ ở 1-2 ngày rồi xách ba lô đi xuống miền Tây, ra miền Trung, hướng ra Bắc.
Tour du lịch "Ngắm TPHCM từ trên cao bằng máy bay trực thăng" - một sản phẩm du lịch rất thu hút khách.
Tour du lịch "Ngắm TPHCM từ trên cao bằng máy bay trực thăng" - một sản phẩm du lịch rất thu hút khách.

Một thực tế hiển nhiên, khách du lịch đến Hà Nội có nhiều sự lựa chọn các địa điểm tham quan như làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng rối nước Đào Thục, hồ Gươm và phố cổ, Hoàng thành Thăng Long, biệt phủ Thành Chương... và hàng trăm di tích lịch sử với hàng ngàn đình chùa nổi tiếng như chùa Quán Sứ, chùa Hương...

Trong khi đó, đến TPHCM du khách hài lòng với ẩm thực đa dạng, nhưng các tour khá đơn điệu và ít. Thường khách du lịch quốc tế xuất phát từ khu phố Tây Bùi Viện theo tour được thiết kế đến các điểm như dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, bến Nhà Rồng và điểm kết là địa đạo Củ Chi, mất khoảng 1 ngày.

Sau đó nếu ai còn thời gian thì đi tour miền Tây Nam bộ, muốn đi thăm thú nhiều hơn cũng không có thêm sự lựa chọn.

Có lần tôi đưa một đoàn các nhà khoa học của Nhật Bản đi tham quan TPHCM. Hết chương trình, GS. Toshihada mong muốn tôi đưa đoàn đi thăm những công trình kiến trúc hay di sản văn hóa thuần Việt trên địa bàn TP.

Theo ông Toshihada, những công trình kiến trúc được coi là nổi tiếng của Sài Gòn - TPHCM đều là của người Pháp, Trung Quốc. Nhu cầu đó không chỉ của người Nhật, mà hầu như các du khách đều không thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu con người và vùng đất đậm chất Nam bộ.

Thật ra lâu nay giới trí thức và cả hướng dẫn viên du lịch, đều lúng túng khi giới thiệu thực địa về bản sắc văn hóa đất phương Nam với du khách. Trong lời giới thiệu về TPHCM ở các trang web du lịch, sách hướng dẫn du lịch, các bài thuyết trình đều có nói đến lịch sử 300 năm mở cõi, nhưng dường như các dấu vết không còn là mấy.

So với đồng bằng Sông Hồng với tâm điểm là Hà Nội, với hàng ngàn năm hình thành, phát triển, Sài Gòn - TPHCM có bề dày lịch sử ít hơn, nhưng điều đó không có nghĩa không có. Liệu có thể phục dựng nó được không?

Cách nay chừng 10 năm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dự tính thành lập bảo tàng Nam bộ. Nhưng do không đủ kinh phí, nhân lực nên chỉ làm được phòng trưng bày nhỏ ở xa trung tâm.

Bảo tàng TPHCM thỉnh thoảng có trưng bày theo chuyên đề, nhưng hiện vật không nhiều và thời gian diễn ra chừng dăm ba ngày. Một vài hiệp hội có ý tưởng xây dựng làng Việt Nam thu nhỏ ở Thanh Đa hoặc Văn Thánh, nhưng không hiện thực hóa được.

Có một thời rộ lên việc hình thành các bảo tàng tư nhân kết thành chuỗi phục vụ du lịch trên cơ sở các bộ sưu tầm tư nhân. Chẳng hạn, bộ sưu tập bản đồ cổ của học giả Nguyễn Đình Đầu, bộ sưu tập đồng hồ của nhà sưu tập Đỗ Duy Ngọc, bộ sưu tập đèn dầu cổ của cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, bộ sưu tập 1.000 nhạc cụ 54 dân tộc của nghệ sĩ Đức Dậu, và nhiều bộ sưu tập tư nhân khác nữa về đồ gốm, cối đá, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, trang phục…

Thế nhưng, không biết ách tắc ở khâu nào mà không liên kết thành chuỗi và đưa vào tour du lịch, như một sản phẩm du lịch chính thống của TPHCM, chỉ hoạt động cầm chừng, tự phát và ngẫu hứng. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần bàn thảo, soạn thảo quy chế nhưng mãi chưa đi đến đâu.

Trong những năm qua, TPHCM thành công trong việc giới thiệu cho du khách biết đến như một TP anh hùng qua các bảo tàng, hiện vật liên quan đến chiến tranh, mà du khách nước ngoài gọi đó là loại hình “du lịch chiến tranh” rất được họ quan tâm. Đó là địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng 30-4, dinh Thống Nhất, chiến khu rừng Sác, gần đây nhất là các “địa chỉ đỏ” nơi cất giấu vũ khí và hầm bí mật của lực lượng biệt động thành.

Các bảo tàng, nhà trưng bày liên quan đến các lãnh tụ chính trị cũng được đánh giá cao. Nhưng về lịch sử văn hóa, nhất là những loại hình văn hóa, đời sống thuần Việt như kiến trúc, lao động sản xuất, âm nhạc, trang phục, ẩm thực… không có nhiều.

Làm thế nào để khai mở và trình diễn cho du khách nước ngoài là điều cần tính đến. Ở khu vực trung tâm TPHCM rộng lớn lẽ nào không tìm ra được địa điểm thích hợp để xây dựng một khu hay một làng văn hóa Việt.

Ở đó du khách sẽ thấy lịch sử mở cõi của cha ông, sẽ thấy một đời sống của đô thị sông nước, hay tái hiện 18 thôn vườn trầu, các loại nhà Nam bộ như nhà rường, nhà chữ đinh, chữ khẩu, chữ công, bao quanh là vườn cây trái xanh ngát, hoặc mương tưới với đất lên liếp trồng cây ăn trái, nhà ba gian hai chái cải biên do người Việt mang từ phía Bắc vào. Các làng nghề một thời hưng thịnh nay đã suy tàn cũng có cơ hội được tái hiện ở đây như làng gốm Cây Mai, làng đúc đồng Gò Vấp, làng vẽ tranh trên kiếng, làng làm xe thổ mộ…

Dù đã muộn, nhưng Sở Du lịch TPHCM nên thu gom, sưu tầm, mua lại các hiện vật còn sót lại về một mối, khi có cơ hội sẽ gây dựng thành một bảo tàng sống động và hấp dẫn.

Trong tiến trình hiện đại hóa, nhiều thứ bị lãng quên rất nhanh. Như ở Củ Chi có làng làm bánh tráng thủ công rất nổi tiếng và lâu đời, nhưng người dân bắt đầu chuyển sang làm bánh tráng bằng máy. Nếu không nhanh tay thu gom về, các dụng cụ làm bánh bằng gỗ, tre, nứa sẽ bị cho vào bếp nấu.

Tương tự, ở Sài Gòn từng nức tiếng về làng dệt Bảy Hiền của người xứ Quảng, thời hoàng kim có đến 1.700 hộ dân làm nghề dệt với hàng ngàn máy dệt thủ công bằng gỗ. Nhưng nay đã suy tàn, nghe nói chỉ còn lại duy nhất một hộ gia đình còn giữ được máy dệt bằng gỗ với những con thoi lên nước bóng nhẫy, không xài nữa mà bỏ đi thì tiếc.

Khách du lịch nước ngoài đến TPHCM chắc không phải để ngắm nhà cao tầng, ngó đường cao tốc, bởi những thứ đó ở xứ họ hơn ta nhiều. Cái khiến họ tò mò chính là con người và văn hóa bản địa.

Cần phải làm phong phú hơn sản phẩm du lịch vốn rất nghèo nàn ở ta, nếu muốn thu được khách du lịch nước ngoài bằng phân nửa Thái Lan, Singapore. Trong đề án Thủ Thiêm có nói đến bảo tàng và nhà hát giao hưởng, nhưng đất đó chắc không còn nữa.

Nhưng nếu đặt bảo tàng và nhà hát giao hưởng này ở Văn Thánh như nhiều kiến trúc sư và học giả đề xuất, coi bộ khả thi hơn.

Các tin khác