Động thái này đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân, vì đây không chỉ là cơ hội đầu tư cho Việt kiều mà còn giúp khơi thông một trong những nguồn lực lớn của đất nước.
Chiếm khoảng 48% tổng thu nội địa
Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Thống kê qua kênh chính thức, tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng 4,4% so với năm 2021. TPHCM dẫn đầu cả nước với 6,6 tỷ USD kiều hối đổ về trong năm 2022, riêng quý I-2023 là gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 0,7% mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TPHCM trong quý này.
Các doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước thảo luận nâng tầm sản phẩm Việt. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Kiều hối vẫn là điểm sáng khi chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa, 33% thu ngân sách của TPHCM. Có thể thấy đây là một nguồn thu ngoại tệ, nhằm đảm bảo cung - cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá và là một tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính cho TPHCM và cả nước.
Ở bình diện cả nước, nếu so với xuất khẩu ròng thì nguồn thu kiều hối lớn hơn rất nhiều lần. Thậm chí, nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân FDI (vốn đầu tư nước ngoài). Tổng kiều hối từ năm 1993 (năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 29-11-1993, về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài), đến nay đạt hơn 200 tỷ USD so với khoảng 190 tỷ USD vốn FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay.
Trong hơn 10 năm (2011-2022), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 7%/năm; nguồn kiều hối chuyển về TPHCM tăng trưởng đều đặn từ 4,1 tỷ USD năm 2012 lên 6,6 tỷ USD vào năm 2022. Lượng kiều hối gửi về TPHCM chiếm tỷ lệ gần bằng 36% so với cả nước. Kiều hối chuyển về góp phần lớn trong việc giữ Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới những năm qua.
Hiện có khoảng 5,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hơn 1 triệu người là thế hệ F2, F3 có quốc tịch nước ngoài có nhu cầu khá lớn cho hoạt động gửi tiền về Việt Nam với các mục đích khác nhau, như hỗ trợ cuộc sống người thân, đầu tư vào các hoạt động kinh doanh, giao thương…
Thu hút vào công trình trọng điểm
Làm sao để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, tạo ra được nhiều giá trị gia tăng, trở thành một trong những lực đẩy quan trọng, đóng góp kinh tế Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng như mục tiêu của “Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM”?
Trước hết, Chính phủ và các địa phương cần có chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào; tạo ra những đột phá về chính sách đối với kiều bào và kiều hối. Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) nên cởi mở để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn, hay tăng cường thu hút nguồn lực kiều bào tham gia các chương trình, công trình, dự án trọng điểm của nhà nước và TPHCM thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền thành phố (địa phương) với nhiều ưu đãi. Đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư ở tất cả các cấp, nhất là khâu thực thi ở các địa phương để tạo thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước.
Các ngành chức năng nên nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối, như: quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa… để hỗ trợ khởi nghiệp. Cụ thể, xác định những lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên mà người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho đất nước, cho TPHCM. Danh mục các công việc này cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để kiều bào biết và đóng góp, đồng thời mạnh dạn đầu tư.
Các tổ chức tài chính Việt Nam cần tăng cường các hoạt động thỏa thuận ký kết về dịch vụ tài chính, đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn, trong đó có châu Âu, châu Đại Dương để kéo nguồn kiều hối tiếp tục về đầu tư trong nước. Kết hợp việc mở rộng kênh dịch vụ đồng đều khắp cả nước sẽ tạo điều kiện để kiều bào, người lao động thuận lợi chuyển kiều hối về Việt Nam. Cần thành lập “Quỹ đầu tư kiều bào” để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt tại nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh.
Với số lượng doanh nhân, trí thức kiều bào đông (chiếm hơn 40% kiều bào của cả nước), để xứng tầm là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước và khu vực, TPHCM cần có chính sách ưu tiên đặc biệt như thưởng nóng; ưu đãi về giá và thời hạn thuê đất, nhà xưởng sản xuất; mua nhà ở định cư; ưu đãi về thuế doanh nghiệp và thu nhập cá nhân… đối với các doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức kiều bào về đầu tư tại TPHCM với số vốn lớn (từ 2 triệu USD trở lên), đầu tư trong các lĩnh vực trọng điểm, mang tính xã hội và bền vững hoặc là cầu nối thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác, đầu tư, phát triển TP.
Hiện các quy định luật pháp của Việt Nam cũng tạo điều kiện cho kiều bào có thể lựa chọn như nhà đầu tư FDI hoặc nhà đầu tư trong nước, cho nên nhiều kiều bào đã lựa chọn hình thức nhà đầu tư trong nước để đầu tư sản xuất kinh doanh, do vậy, kiều hối chính là kênh để bà con chuyển vốn về trong nước làm ăn.