Đoàn đã khảo sát cơ sở nuôi và sản xuất sản phẩm tổ yến Yến Lộc (xã Tam Thôn Hiệp); mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên hồ tròn lót bạt; mô hình nuôi cá dứa của nông dân Văn Hữu Lạc; Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Cần Giờ Tương Lai (xã An Thới Đông).
Các hộ nuôi, thành viên HTX Nông nghiệp Cần Giờ Tương Lai cho biết, Cần Giờ giáp biển, diện tích vùng nước lợ rộng lớn nên việc nuôi tôm, cá dứa, yến… có nhiều thuận lợi. Khó khăn mà các HTX, hộ nuôi phải đối diện là thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng quy mô lớn. Việc xây dựng các công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều vướng mắc về thủ tục.
Quy định về xây nhà nuôi yến chưa có, các hộ dân phải xin phép xây nhà ở, nhưng thực tế là xây nhà cho yến vào làm tổ. Các hộ nuôi tôm vẫn chưa làm chủ, chưa an tâm nguồn con giống. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào sự linh hoạt tìm kiếm khách hàng của các hộ nuôi, các HTX.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tìm hiểu mô hình nuôi tôm ở Cần Giờ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các hộ nuôi, HTX đề nghị TPHCM tạo cơ chế giúp các hộ nuôi tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi; có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, kết nối nhà nông với hệ thống phân phối hiện đại, chuyên nghiệp trên địa bàn TPHCM.
Báo cáo về phát triển sản phẩm chủ lực tôm nước lợ của UBND huyện Cần Giờ cho biết, năm 2019, Cần Giờ có 1.715 hộ thả nuôi hơn 1 tỷ con tôm giống trên diện tích hơn 5.200 ha. Sản lượng thu hoạch của huyện đạt hơn 8.500 tấn/năm, tương ứng giá trị sản xuất gần 1.800 tỷ đồng/năm, chiếm 70% tỷ trọng ngành nuôi trồng và chiếm trên 43% tỷ trọng toàn ngành thủy sản của TPHCM.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, giá tôm giảm mạnh, nên các hộ nuôi hạn chế đầu tư, hoạt động cầm chừng. Diện tích thả nuôi tôm chỉ còn 3.700ha, thu hoạch hơn 2.200 tấn. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng kiến nghị TP chỉ đạo các sở ngành liên quan tham mưu, hướng dẫn công tác quản lý xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp; đề xuất HĐND TP xem xét nâng mức hỗ trợ lãi vay cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực lên 100%.
Đồng thời các sở, ngành cần đánh giá, dự báo thị trường kịp thời để khuyến cáo nông dân tổ chức sản xuất phù hợp; giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp lớn, có thị trường ổn định, có năng lực tổ chức chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp chủ lực để nông dân an tâm sản xuất…
Qua buổi khảo sát, đồng chí Nguyễn Thị Lệ ghi nhận và đánh giá cao các hộ nuôi, các HTX ở Cần Giờ đã sáng tạo, năng động, chủ động phát triển các sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp. Tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực về yến, tôm, cá dứa… của huyện Cần Giờ là rất lớn, nhưng hiện nay các HTX nông nghiệp, nông dân Cần Giờ đang gặp khó khăn về nguồn vốn, về pháp lý khi xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất và về đầu ra cho các sản phẩm.
Trước thực trạng này, đồng chí Nguyễn Thị Lệ chỉ đạo các sở ngành liên quan ghi nhận, tổng hợp các vấn đề, từ đó báo cáo, đề xuất UBND TPHCM có những biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn của nông dân, HTX, nhất là vấn đề kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở huyện Cần Giờ.
Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đã đến thăm hộ ông Nguyễn Văn Trò, thương binh 3/4, ngụ xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ; thăm hộ ông Trương Văn Hai và hộ ông Bùi Minh Hiếu, là 2 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ.