Thương mại dịch vụ và công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ tỷ trọng lớn, trong đó thương mại dịch vụ chiếm 65,6% cơ cấu, có tốc độ tăng trưởng cao nhất (7,26%) và đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng, với 4,34 điểm phần trăm...
Kết quả tích cực này chứng tỏ các biện pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chuỗi hoạt động, chương trình trong định hướng “thành phố sự kiện - lễ hội” đã phát huy hiệu quả.
Cũng trong nửa đầu năm 2024, TPHCM đã đón nhận sự thăng hạng trên hầu hết các bảng xếp hạng chỉ số cải cách, cạnh tranh. Cụ thể: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 7 bậc, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tăng 3 bậc, Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) xếp thứ hạng thứ 2 cả nước (sau Hà Nội), Bộ chỉ số Sipas 2023 (Mức độ hài lòng của người dân) và chỉ số thành phần trong PAPI đã cho thấy là địa phương “được người dân lựa chọn nhiều nhất muốn chuyển đến sinh sống” của cả nước.
Gần đây nhất, tổ chức quốc tế Economist Intelligence Unit (EIU) đưa tên TPHCM vào tốp 4 các thành phố thăng hạng mạnh nhất trong 12 tháng qua trong danh sách “Những thành phố đáng sống nhất thế giới 2024” (TPHCM xếp hạng 133 toàn cầu và cao hơn năm ngoái đến 7 bậc).
TPHCM được ghi nhận “có bước cải thiện mạnh mẽ trong các chỉ số chăm sóc sức khỏe và giáo dục trong 12 tháng qua” - theo giải thích của EIU. Bởi cùng với giáo dục, y tế và việc làm - thông qua chỉ số thành phần “địa phương được người dân lựa chọn nhiều nhất muốn chuyển đến sinh sống của cả nước” được hiểu như một thị trường lao động, việc làm năng động nhất; là thước đo hiệu quả phục vụ của chính quyền.
Nhưng, TPHCM vẫn còn những vấn đề lưu ý, như Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu tại phiên họp về tình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 là: năng lực hấp thụ vốn hiện chưa cao, hiệu quả cải cách hành chính được cải thiện chưa nhiều; đồng thời yêu cầu tập trung mọi giải pháp để khắc phục, trong đó đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công. Rõ ràng, nhiệm vụ tiêu tăng trưởng quý 3 phải đạt 7% trở lên, cố gắng đạt 8% ở quý 4 có liên quan đến việc có giải quyết tốt hay không “3 trong 1”: giải ngân đầu tư công - cải cách hành chính - năng lực hấp thụ vốn.
Nhìn vào 6 tháng qua, xu hướng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của TPHCM có tăng nhưng không hấp thụ được dòng vốn đó thành các công trình, dự án cụ thể. Một nguồn vốn được trông chờ, thúc đẩy bằng nhiều biện pháp để khơi thông các thị trường xây dựng, vật liệu, lao động… thì vẫn tiếp tục tắt, chậm là vốn đầu tư công.
Tính đến cuối tháng 6, giải ngân của TPHCM chỉ đạt 13,8% kế hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó riêng ngành xây dựng đã tăng mạnh trong quý I với 7,92% nhưng quý II chỉ còn 4,1%.
Vì vậy, nửa chặng đường còn lại của năm là tập trung cao độ đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 7-8% trở lên trong cả 2 quý còn lại với 6 nhiệm vụ trọng tâm đã được lãnh đạo TPHCM chỉ ra. Nhận diện được vấn đề, các giải pháp cũng đã rõ, vấn đề là triển khai sớm và hiệu quả như thế nào để TPHCM tiếp tục phục hồi và tăng tốc.