TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Theo đề xuất của Sở GTVT, đề án gồm 7 bước. Đầu tiên là xác định đầu mối giao thông tập trung có thể hình thành mô hình TOD. Thứ 2, xác định phạm vi vùng phụ cận của khu vực nhà ga tuyến đường sắt, nút giao đường Vành đai 3 TPHCM và rà soát quỹ đất, đồ án quy hoạch cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đánh giá hiện trạng. Thứ 3, tổ chức điều chỉnh cục bộ quy hoạch (nếu có).
Thứ 4, đề xuất dự án đầu tư công độc lập thực hiện bồi thường để thu hồi đất, phát triển hạ tầng, đô thị. Thứ 5, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND TP phê duyệt. Thứ 6, tổ chức triển khai dự án. Cuối cùng, tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án.
Ngoài ra, Sở GTVT đề xuất phân kỳ thực hiện mô hình TOD theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai thí điểm mô hình TOD tại các vùng phụ cận đầu mối giao thông tập trung gồm các nhà ga của tuyến metro số 1 và các nút giao của đường Vành đai 3 vì hiện nay các nhà ga thuộc tuyến metro số 1 và nút giao đường Vành đai 3 đã được xác định và có cơ sở pháp lý rõ ràng. Quỹ đất xung quanh các khu vực này đã được Sở QH-KT phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, thống kê, có thể triển khai ngay một số dự án thí điểm.
Giai đoạn 2, triển khai tại các đầu mối giao thông của các tuyến đường sắt gắn với Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, là tuyến metro số 2.
Hiện tuyến metro số 2 đã có pháp lý rõ ràng, vị trí các nhà ga đầu mối giao thông trên tuyến đã được phê duyệt.