TPHCM và khát vọng đổi mới lần 2

(ĐTTCO) - PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, nếu kéo dài duy trì mô hình tăng trưởng cũ, coi nhẹ tăng trưởng xanh, việc “đứng” ở mức độ tăng trưởng không ấn tượng có thể xảy ra.

TPHCM và khát vọng đổi mới lần 2

PHÓNG VIÊN: - Từ góc độ của chuyên gia quốc tế, ông đánh giá thế nào về TPHCM khi có Nghị quyết 98, cũng như việc đưa nghị quyết này vào cuộc sống?

PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG: - Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, tôi cho đây là điều kỳ diệu. Với một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, Nghị quyết 98 tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và sẽ tạo nên những động lực mới.

Bản thân tôi có tham gia với TPHCM về xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, cũng như xây dựng hệ thống đường sắt. Đây là 2 vấn đề rất quan trọng cho đô thị lớn, cho trung tâm kinh tế, và TPHCM nắm bắt 2 vấn đề này rất nhanh.

Điều này được thể hiện rất rõ qua việc TPHCM đang có khát vọng rất lớn, lãnh đạo TPHCM đã thể hiện quyết tâm cao độ. Theo đó, dù rất bận nhiều công việc, nhưng lãnh đạo TP luôn cố gắng thu xếp thứ hai hàng tuần tổ chức họp để bàn và triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Tôi cảm giác như đang ở trong một cuộc đổi mới lần 2.

Khát vọng lớn mà nền tảng yếu, không đặc sắc, không bền vững, thì khó đi xa. Ở các nước nghèo khác, họ rất trông đợi để học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam.

- Ông suy nghĩ gì về những khát vọng của TPHCM?

- TPHCM có khát vọng lớn và đang thực hiện rất quyết liệt, rất nhanh. Đơn cử như tăng trưởng xanh, TP đang làm rất tốt. TPHCM đang tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế từ các mô hình kinh tế mới, đáp ứng yêu cầu xanh, chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững… Thí dụ khách sạn REX đang thể hiện rất rõ đây là khách sạn xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Ở mỗi tầng đều có băng-rôn kêu gọi quý khách hỗ trợ khách sạn thực hiện. Hay đường sắt đô thị TPHCM muốn xây dựng kết hợp giữa metro và tramway, tức tàu điện ngầm và xe điện trên mặt đất. Như vậy TP đang chứng minh với thế giới là làm được hệ thống đường sắt đô thị. Đây coi như là test/phép thử đầu tiên.

Nếu người dân vẫn bịt khăn đi xe máy thì rõ ràng là dân tộc này vẫn nghèo, không phát triển cao được. Nếu mất cả giờ trên đường đi làm thì không thể nói chuyện năng suất cao được. Cũng có những ý kiến từ chuyên gia quốc tế cho rằng cứ phát triển xe buýt cho nhanh, làm tàu điện ngầm tốn kém lắm.

Nhưng thà tốn hàng ngàn tỷ đồng sẽ làm cho đô thị phồn vinh, sinh hoạt đi lại của người dân được cải thiện và lại khai thác hiệu quả hơn đất đai hai bên đường và đất ngầm cũng được khai thác và sử dụng. TPHCM đã nắm bắt vấn đề này rất tốt. Và TP đang đi học kinh nghiệm các nơi để triển khai.

pgs-vu-minh-khuong-692-3155.jpg

- GDP năm 2023 cả nước và TPHCM không đạt mục tiêu. Trong bối cảnh khó khăn của toàn cầu, tăng trưởng này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

- Năm 2023 tăng trưởng không đạt mục tiêu là thực tế phải chấp nhận, bởi trong bối cảnh chung kinh tế thế giới tăng trưởng hạn chế. Nhưng ở chiều cạnh khác, với mức tăng trưởng chỉ hơn 5% so với mục tiêu 6%, cho chúng ta thấy rõ hơn điểm yếu của nền kinh tế.

Mức tăng trưởng này cũng là điều may để thấy sức khỏe nền kinh tế chưa sẵn sàng cho cuộc cất cánh mới, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi căn bản, thay vì cố tăng trưởng cũng chỉ tăng được một chút, không đạt được kết quả căn bản.

Nếu vẫn kéo dài duy trì mô hình tăng trưởng cũ, coi nhẹ tăng trưởng xanh và chỉ phát triển mở rộng, không chú trọng năng suất, việc “đứng” ở mức độ tăng trưởng không ấn tượng là có thể xảy ra. Nếu vẫn còn những rào cản, những tắc nghẽn và không có những giải pháp cách mạng sẽ không cất cánh được. Ngay như Hà Nội và TPHCM, ngày càng nhiều xe đẹp xuất hiện trên đường, nhưng môi trường ô nhiễm, kẹt xe, tắc nghẽn nhiều thứ, làm sao cất cánh được.

- Vậy năm 2024 làm gì để lấy lại mức tăng trưởng cao, để cất cánh và đạt được khát vọng, thưa ông?

- Năm 2024 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng tốt hơn. Việt Nam đạt mức tăng trưởng thế nào tùy thuộc rất nhiều về năng lực thiết kế của mình trước cơ hội này. Vấn đề là không thể duy trì mô hình tăng trưởng mở rộng theo kiểu cũ, như làm thêm đoạn đường, xây thêm nhà máy may hay nhà máy thép.

Bây giờ phải thay đổi, nâng cấp để kinh tế cất cánh. Bên cạnh đó là thực hành thiết chế tốt, tức phải có định đề giá trị cho mỗi chính sách định làm ra, phải chỉ rõ được mỗi quyết định, quy định được đưa ra là tại sao. Phải suy nghĩ rất mạnh dạn về tăng trưởng xanh, quy hoạch chiến lược, chọn các ngành nghề hay đào tạo nhân lực ra sao, và cần gắn kết với các nước như thế nào để đi lên.

Đặc biệt, phải xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Đây là thách thức rất lớn. Xây dựng được bộ máy công quyền ưu tú, đất nước ta mới thực sự bước vào giai đoạn cất cánh. Tôi đề xuất cho phép TPHCM thí điểm sâu sắc và toàn diện nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú trong phạm vi TP.

Và để giải những bài toán phát triển như thế nào, tôi cho rằng từ nay đến năm 2030 cần tạo ra những nền tảng rất căn bản là khí thế mới, cách làm mới, là cuộc đổi mới lần 2.

Tôi đang cảm nhận được cuộc đổi mới mới này. Theo đó, cuộc đổi mới mới này không phải chỉ là phá rào như cải cách lần thứ nhất, mà lần này chúng ta xây dựng nền tảng cho một quốc gia hiện đại.

Việc này không chỉ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ, mà Việt Nam sẽ trở thành nơi có khả năng phát triển những năng lực công nghệ, cũng như những giải pháp cho phát triển xanh và kiến tạo phồn vinh.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác