TPHCM: Vận dụng tối đa các quy định để đền bù cao nhất cho dự án Vành đai 3

(ĐTTCO) - Với tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 3 TPHCM, các sở, ngành cùng các địa phương đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư trên tinh thần “làm nhanh, chắc, đúng” để kịp tiến độ khởi công dự án vào cuối tháng 6 này.
Khu dân cư tại TP Thủ Đức (TPHCM), nơi dự kiến đường Vành đai 3 chạy qua. Ảnh: QUỐC HÙNG
Khu dân cư tại TP Thủ Đức (TPHCM), nơi dự kiến đường Vành đai 3 chạy qua. Ảnh: QUỐC HÙNG

Người dân đồng thuận

Theo UBND TPHCM, qua nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các địa phương gồm TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi (những địa phương có tuyến đường Vành đai 3 đi qua), người dân đều đồng thuận, mong dự án sớm được triển khai để ổn định cuộc sống.

Qua rà soát, toàn dự án có 2.377 trường hợp nhà, đất của người dân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 752 trường hợp tái định cư. Ông Phan Đình Tâm (ngụ phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) có hơn 4.000m2 đất bị ảnh hưởng bởi dự án, mong muốn Nhà nước có chính sách đền bù thỏa đáng để gia đình ông đủ khả năng hoán đổi đất ở nơi khác.

“Kể từ ngày lực lượng chức năng cắm ranh mốc, tôi và các hộ dân trong khu phố bảo vệ từng cột mốc, không để xảy ra xê dịch hiện trạng ranh mốc. Tôi hiện còn khoảng 2.000m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Xiển không nằm trong quy hoạch của dự án, nhưng gia đình sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với Nhà nước nếu cần thu hồi thêm để bố trí tái định cư cho người dân”, ông Tâm nói.

Hầu hết người dân ở huyện Bình Chánh có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3 bày tỏ sự đồng thuận cao và mong muốn dự án sớm được thi công. Các ý kiến của người dân cũng mong muốn được hưởng giá đền bù tương xứng với giá thị trường; Nhà nước có những chính sách hỗ trợ như tạo công ăn việc làm, bố trí nơi tái định cư gần với nơi ở cũ để sớm ổn định cuộc sống.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thăm hỏi người dân có nhà, đất bị giải tỏa trắng trong dự án đường Vành đai 3, ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thăm hỏi người dân có nhà, đất bị giải tỏa trắng trong dự án đường Vành đai 3, ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh

Bà Phan Thị Hiền (ngụ 2C74/16 ấp 2, tổ 9, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, có nhà bị giải tỏa trắng bởi dự án) chia sẻ, người dân mong muốn nếu nhà bị giải tỏa thì được cấp lại nhà bằng với diện tích nhà cũ. Tương tự, ông Nguyễn Văn Mái (ngụ 33/1A xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, bị thu hồi hơn 6ha đất trồng cây lâu năm) khẳng định sẵn sàng di dời, bàn giao đất để ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhiều người dân khác ở huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi có đất, nhà bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3 cũng bày tỏ những mong muốn tương tự.

Sẵn sàng bồi thường, tái định cư

TP Thủ Đức có diện tích đất dự kiến thu hồi để triển khai dự án đường Vành đai 3 là gần 102ha, dài khoảng 12,2km, chiều rộng mặt cắt từ 63-120,5m, đi qua 4 phường Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình. Hiện công tác bàn giao ranh mốc thu hồi đất đã hoàn thành. TP Thủ Đức có 595 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 239 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư, 131 trường hợp giải tỏa trắng.

Địa phương dự kiến bố trí cho 239 hộ tái định cư tại khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ giai đoạn 2. Các hộ giải tỏa trắng được xem xét mua căn hộ tại chung cư C8 (đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức). Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án là hơn 8.455 tỷ đồng.

Liên quan chính sách và giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ cho biết, giá bồi thường sẽ do UBND TPHCM phê duyệt trên cơ sở các đơn vị tư vấn, thẩm định giá khảo sát thực tế tại các vị trí thực hiện dự án.

Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức đã và đang phối hợp với các đơn vị tư vấn khảo sát giá để thu thập thông tin mua bán, giao dịch trên thị trường tại khu vực TP Thủ Đức; đồng thời thu thập thêm chứng từ pháp lý tại các phòng công chứng, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và nhiều nguồn khác để xây dựng chứng thư thẩm định giá trình UBND TPHCM phê duyệt.

Tại huyện Hóc Môn, có 332 trường hợp nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, trong đó có 10 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư và 38 trường hợp giải tỏa trắng. Về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Tuyên cho biết, Sở Xây dựng đã trình UBND TPHCM hai phương án bố trí nơi ở mới cho những hộ dân giải tỏa trắng, không đủ điều kiện bố trí tái định cư: mua căn hộ chung cư tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), hoặc mua chung cư ở khu 10ha tại phường Tân Thới Nhất (quận 12). Khi có quyết định cuối cùng, huyện Hóc Môn sẽ đàm phán với các hộ dân để họ lựa chọn phương án và đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Đối với 10 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư, huyện Hóc Môn dự kiến bố trí cho các hộ dân đến ở tại khu tái định cư mới (sẽ được đầu tư xây dựng trên địa bàn). Đây là chính sách chăm lo an cư tốt nhất được thực hiện trên địa bàn huyện.

Tại các buổi giám sát kế hoạch triển khai thực hiện Dự án thành phần 2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) thuộc dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn TPHCM, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu nêu rõ: “Chúng ta ứng xử với người dân như là khách hàng. Họ tìm hiểu “căn hộ mẫu” để quyết định mua hay không. Các cấp chính quyền cần tuyên truyền về các tiện ích của nơi ở mới. Người dân sẽ chọn nếu thấy tốt hơn nơi ở cũ”.

Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, dù TPHCM chưa có phương án giá bồi thường, hỗ trợ cụ thể, nhưng quan điểm của HĐND TPHCM là cố gắng vận dụng tối đa các quy định pháp luật để người dân được hỗ trợ giá đền bù cao nhất, giá mua nhà tái định cư hoặc nền tái định cư rẻ nhất. Lãnh đạo TPHCM cũng khẳng định, công tác bồi thường, tái định cư ở dự án đường Vành đai 3 phải trở thành kiểu mẫu cho các dự án khác.

Bồi thường đất ở từ 18,7 - 40 triệu đồng/m2

Theo Sở TN-MT TPHCM, qua khảo sát, giá bồi thường cho đất ở tại dự án đường Vành đai 3 sẽ nằm trong khoảng từ 18,7-40 triệu đồng/m2. Đối với đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm có giá bồi thường từ 3,2-8,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giá tạm tính để các địa phương lập phương án bồi thường, tái định cư, lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất.

Đối với đất nông nghiệp, TP sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường và sẽ bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp cho nhà đầu tư (khoảng 300ha) trong tháng 5-2023. Với đất ở, sẽ chi trả vào tháng 7-2023 và bố trí tái định cư, thu hồi mặt bằng từ tháng 8-2023, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước tháng 12-2023 (hơn 400ha) để triển khai xây lắp vào đầu năm 2024.

Các tin khác