Trái phiếu chính phủ Mỹ: Lợi suất dài hạn hướng về zero

(ĐTTCO) - Nghịch lý thị trường Mỹ, cầu vốn vay tăng nhưng kỳ vọng lợi suất dài hạn lại giảm. Đường cong lợi suất đảo ngược từ năm 2018 dấy lên tâm lý lo ngại suy thoái. Và sự e ngại rủi ro thêm cao trào khi đường cong chênh lệnh lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1,714%, thấp hơn cả lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, ở mức dưới ngưỡng zero. Đó có phải là chỉ báo về một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần?
Trái phiếu kho bạc dài hay ngắn hạn đều là loại chứng khoán có thu nhập cố định. Lợi suất trái phiếu (bond yields) đơn giản có thể hiểu là khoản tiền đầu tư vào trái phiếu, đến khi nó đáo hạn sẽ sinh lời.
Nhưng vì lợi suất trái phiếu tùy thuộc vào giá cả của khoản đầu tư, nên lợi suất này tăng giảm theo giá trị của trái phiếu. Đường cong lợi suất (yield curve) thể hiện tương quan giữa biến động phần trăm lợi suất trái phiếu và thời hạn đáo hạn (bond maturity). Bởi trái phiếu bản chất là chứng chỉ nợ, nên khi đáo hạn phải thanh toán trả lại cho nhà đầu tư.
Kể từ 2018, sau 3 lần FED nâng lãi suất, kết hợp với tâm lý e ngại khủng hoảng của thị trường, đường cong lãi suất đã đảo ngược. Nghĩa là lợi suất và kỳ đáo hạn bẻ chiều quan hệ nghịch nhau, trong đó lợi tức của trái phiếu có kỳ đáo hạn càng dài có lợi tức càng giảm.
Trái phiếu kho bạc Mỹ do chính phủ Mỹ phát hành, thông thường càng dài hạn lợi suất của trái phiếu càng cao. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vì thế cũng thường có dạng dốc lên. Sự dốc lên của đường cong lợi suất trái phiếu, hay việc lợi suất trong dài hạn thường cao hơn ngắn hạn.
Nguyên nhân do trái phiếu có kỳ đáo hạn càng dài hạn khả năng chịu nhiều rủi ro hơn. Lợi suất trong ngắn hạn luôn khác với dài hạn, do đó thị trường thường sử dụng đồ thị biểu diễn luôn có sự khác biệt của lợi suất dài hạn và ngắn hạn, gọi nó là đường yield spread, còn gọi là đường chênh lệnh cấu trúc kỳ hạn. Phổ biến nhất là đường biểu diễn sự khác biệt lợi suất giữa trái phiếu kho bạc 10 năm và tín phiếu kho bạc 90 ngày. 
 
Báo động chênh lệch lợi suất trái phiếu dài và ngắn hạn
Ngày 14-8-2019, lần đầu tiên kể từ năm 2007, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1,714%, mức thấp hơn cả lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Thậm chí, chuyên gia của quỹ quản lý tài sản Count BlackRock, một quỹ thuộc nhóm lớn nhất thế giới, còn dự báo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm này khả năng tiếp tục tuột xuống khoảng 1,5% trong thời gian tới. 
Trái phiếu chính phủ Mỹ: Lợi suất dài hạn hướng về zero ảnh 1
Chính sách tiền tệ hay tài khóa đều đi theo mục đích chung là kéo dài chu kỳ tăng trưởng kinh tế, hạn chế tăng trưởng quá nóng, cũng như tránh những giai đoạn suy thoái, khủng hoảng kinh tế. Nhưng những gì đang diễn ra trong năm 2019 ngược lại so với thông thường, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ trong ngắn hạn lại cao hơn cả lợi tức trong dài hạn; lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong dài hạn giảm, trong khi ngắn hạn lại tăng.
Thị trường có phần “lạnh gáy” khi nhìn thấy đồ thị chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn so với ngắn hạn đâm qua vạch zero, xuống ngưỡng âm. Lần gần đây nhất điều này xảy ra vào năm 2007, sau đó cuộc suy thoái tài chính vừa mạnh, vừa dài xảy ra trên quy mô toàn cầu.
Đường cong lợi suất, đường cong chênh lệch cấu trúc kỳ hạn trái phiếu chính phủ, là tín hiệu tin cậy trong dự báo suy thoái kinh tế trong quá khứ. Nó đã dự báo đúng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Nói đến lợi suất trong ngắn hạn, rõ ràng bị ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ được quyết định bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nhưng lợi suất trong dài hạn không dễ kiểm soát như vậy. Khi FED tăng lợi suất trái phiếu, trái phiếu ngắn hạn dĩ nhiên nhanh chóng đáo hạn. Do đó, mức lãi suất cũng thể hiện nhanh chóng lên đường cong lãi suất, so với trái phiếu dài hạn tốn hàng chục năm mới tới ngày đáo hạn.
Tuy nhiên, đồ thị đường cong lãi suất trong dài hạn cũng nhanh chóng thay đổi. Lý do, lợi suất là tỷ số giữa lợi suất (coupon) chia cho giá trái phiếu (price). Mà lợi suất ngắn hạn quyết định bởi cung và cầu tiền do FED quyết định. Cầu về trái phiếu dài hạn gia tăng đi kèm với giá của trái phiếu này tăng và lợi suất của nó sẽ giảm. 
Trái phiếu chính phủ Mỹ: Lợi suất dài hạn hướng về zero ảnh 2
Cũng có thể NĐT đầu tư với kỳ vọng trong tương lai lãi suất sẽ giảm nên họ muốn “chốt” luôn mức lợi suất trong hiện tại. Song nên nhớ rằng, chỉ khi nền kinh tế trong suy thoái càng trầm trọng lãi suất mới giảm đi. Đó là bản chất của chính sách tiền tệ mở rộng (tăng cung tiền và giảm lãi suất) nhằm kích thích nền kinh tế vượt qua chu kỳ suy thoái nhanh hơn.
 
Nghịch lý đường cong lợi suất
Biện pháp nới lỏng tiền tệ đang diễn ra ở rất nhiều quốc gia. Những quốc gia đã và đang hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế trước áp lực gia tăng căng thẳng của tranh chấp thương mại (TCTM), gồm: tại Mỹ FED đã lần đầu hạ lãi suất sau 4 lần tăng lãi trước đó; tại EU ECB cũng có tín hiệu sẽ hạ lãi suất; Australia vừa hạ lãi suất vào tháng 6 và 7; New Zealand đã giảm lãi suất rất mạnh xuống mức 1%; Thái Lan lãi suất giảm từ 1,75% xuống còn 1,5%; Ấn Độ giảm xuống còn 5,4%; Hàn Quốc BoK đã trình kế hoạch giảm lên Quốc hội do căng thẳng Mỹ - Trung và Nhật - Hàn; Nhật Bản BoJ kêu gọi các ngân hàng tính toán giảm lãi suất để kích thích kinh tế. 
Trái phiếu chính phủ Mỹ: Lợi suất dài hạn hướng về zero ảnh 3 Thực tế chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm so với kỳ hạn 90 ngày trong giai đoạn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 đến nay.  Nguồn: Bloomberg
Nhìn chung, các quốc gia hiện nay đang đồng loạt dùng chính sách tiền tệ mở rộng, giảm lãi suất để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế. Và khi thị trường đã nhận ra điều này, việc chọn rót tiền vào kênh trái phiếu dài hạn cũng dễ hiểu. Bởi lẽ, khi kỳ vọng lãi suất trong dài hạn sẽ giảm nhiều, mua trái phiếu trong hiện tại khiến NĐT có thể “chốt” với mức lãi hiện tại, được kỳ vọng cao hơn so với mức lãi suất trong tương lai. Đó là bản chất của đầu tư, trong nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận của đồng vốn. 
Bên cạnh kênh trái phiếu, NĐT e ngại không có nhiều nơi trú ngụ để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Vàng, chứng khoán… đều đang giao dịch ở mức giá tăng cao kỷ lục trong 2018-2019. Căng thẳng thương mại leo thang cũng khiến tâm lý lo lắng cho những bất ổn vây quanh môi trường đầu tư.
Thông thường đa dạng hóa danh mục vào nhiều loại tài sản cũng là cách giảm rủi ro, nhưng giờ đây nó khó thực hiện. Một cách khác cũng thường được áp dụng để giảm rủi ro, là trú ngụ vào những kênh đầu tư dài hạn. Trong bối cảnh trên, lựa chọn đầu tư dài hạn vào trái phiếu là  cách để né tránh những bất ổn ngắn hạn có thể gây ra từ TCTM. 

Suy thoái kinh tế đang đến gần?
Đường cong lợi suất, đường cong chênh lệch cấu trúc kỳ hạn trái phiếu chính phủ, là tín hiệu tin cậy trong dự báo suy thoái kinh tế trong quá khứ. Nó đã dự báo đúng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, dự báo đúng cuộc khủng hoảng bong bóng công nghệ 1997-2000. Chính vì vậy, sự đảo ngược của đường cong này, và việc nó xuyên thủng cả mức zero, làm thị trường rơi vào tâm lý chung là lo lắng về những bất ổn, được cho là cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu ngày càng lộ diện.
Đặc biệt điều này được phân tích nhiều bởi một chuyên gia kinh tế đã từng đoạt giải Nobel người Mỹ, ông Paul Krugman. Ông này có tư tưởng không ủng hộ chính quyền Trump và luôn đưa ra các dự báo về khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giải Nobel có uy tín quá lớn nên những điều ông dự đoán dù như dầu tạt vào lửa, nhưng được đám đông vốn đang sẵn lo ngại càng thêm manh động.
Tuy nhiên có yếu tố rất quan trọng làm mất đi nét tương đồng của “cuộc khủng hoảng kỳ vọng” sắp xảy ra và 2 cuộc khủng hoảng toàn cầu trong quá khứ. Ở cuộc khủng hoảng bong bóng công nghệ 1997-2000 bắt nguồn từ sự tăng trưởng quá nóng của ngành công nghệ thông tin trước đó. Cuộc khủng hoảng sau 2007-2009 bắt nguồn từ bong bóng ngành bất động sản, dẫn đến nợ xấu và đi vào khủng hoảng.
Còn giai đoạn này, khủng hoảng nếu có sẽ bắt nguồn từ TCTM, từ chính sách sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, không liên quan đến sự tăng trưởng quá nóng của hàng hóa, dịch vụ cụ thể nào. Chính sách có thể thay đổi sau một đêm, không phải là sự thoái trào công nghệ, hay bong bóng tài sản. Vậy mà điều này thường được lờ đi trong những dự báo khủng hoảng giai đoạn hiện nay. 
Khi đưa ra dự báo về khủng hoảng hay tăng trưởng của một quốc gia, của toàn thế giới, không thể chỉ dựa vào đường cong lợi suất. Nhưng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược rõ ràng là tín hiệu tiêu cực cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Đầu tiên nó làm giảm ngay lợi nhuận của các định chế tài chính trung gian và doanh nghiệp nói chung trong ngắn hạn khó tiếp cận nguồn vốn.
Giả sử có thỏa thuận tốt được thiết lập trong TCTM Mỹ - Trung, xoa dịu tâm lý lo ngại những bất ổn trong ngắn hạn, đường cong lãi suất sẽ lại đổi hướng xuất phát từ nguyên nhân không cần né tránh rủi ro mà trú ngụ vào kênh trái phiếu dài hạn nữa. 

Các tin khác