Theo thông báo của NHNN, giá vàng bình ổn hôm nay giá không thay đổi. Cụ thể, giá bán vàng miếng trực tiếp ngày 7-6 cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC là 75,98 triệu đồng/lượng.
Sau công bố của NHNN, 5 đơn vị bán vàng bình ổn công bố giá vàng miếng bán ra thị trường hôm nay là 76,98 triệu đồng/lượng.
"Nước lên, thuyền lên"
Từ năm 2023, giá vàng thế giới bắt đầu dậy sóng trước các xung đột địa chính trị trên thế giới, và chính thức vượt mốc 2.000 USD/ounce từ tháng 2. Tuy nhiên, không dừng lại ở mức giá này, vàng tăng liên tục đến tháng 5 đã chạm mức 2.450 USD/ounce.
Theo giới phân tích, động lực tăng giá của vàng năm nay đến từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị, kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, nhu cầu vàng tăng mạnh ở Trung Quốc, và xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương.
"Nước lên thuyền lên", giá vàng trong nước cũng liên tục tăng và đạt đỉnh 92,4 triệu đồng một lượng vào ngày 10-5. Như vậy, chỉ sau 5 tháng, vàng đạt mức tăng xấp xỉ 23%.
Thêm vào đó, việc các tổ chức tài chính thế giới dự báo vàng có thể tăng đến mốc 3.000 USD/ounce, vàng trong nước tranh thủ tạo áp lực đẩy chênh lệch so thế giới ở mức 14-18 triệu đồng. Từ đây, người dân đã "truyền tai" nhau rằng vàng có thể vượt mốc 100 triệu đồng/lượng. Điều này kích thích nhu cầu mua vàng của người dân.
Thua lỗ trước mắt
Trước xu hướng đó, Báo Đầu tư Tài chính đã có nhiều bài viết truyền tải ý kiến các chuyên gia, khuyến cáo người dân nên thận trọng. Vì khi giá vàng thế giới đã vượt qua 2.000 USD/ounce, thì khả năng lên và xuống đều như nhau, bởi các động lực đẩy vàng tăng giá đều bất định.
Đơn cử, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 xảy ra, giá vàng tăng từ 834 USD/ounce vào đầu năm 2008, lên 1.900 USD một ounce vào tháng 9-2011. Nhưng sau đó, giá vàng đi ngang và bước vào chu kỳ suy giảm từ cuối năm 2012 đến hết quý II-2019, nằm dưới mốc 1.300 USD/ounce và đến cuối năm 2019, tức sau 7 năm sau mới quay lại mức giá năm 2011.
Do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, và độ vênh giữa giá mua vào và giá bán ra vàng miếng thời điểm nóng đều từ 3-4 triệu đồng mỗi lượng, rất tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nếu cần bán để thu hồi vốn.
Thời gian qua, một minh chứng rõ ràng là vàng đã đạt đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng, nhưng sau các chính sách điều chỉnh của NHNN, những khách hàng đã “đu đỉnh” nếu bán ra lúc này sẽ thiệt hại lên tới 17-18 triệu đồng mỗi lượng. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, với việc tham gia của 4 ngân hàng quốc doanh với mức giá chỉ 76,98 triệu đồng/lượng tại ngày 6-6, nhưng ở chiều mua SJC thu ở mức 74,98 triệu đồng/lượng, nên ngay khi mua người dân đã lỗ ngay 2 triệu đồng.
Tránh tâm lý FOMO
Những ngày qua, người dân đội nắng đội mưa xếp hàng lấy số, nhưng số lượng vàng được mua ít, kèm việc phải chờ đợi rất lâu, song xu hướng đổ xô đi mua vẫn chưa dừng lại. Nguyên nhân là do các kênh bất động sản, tiền gửi chưa hấp dẫn, đẩy dòng vốn tìm kiếm kênh đầu tư nổi trội hơn là vàng. Song song đó, một phần vì yếu tố tâm lý sợ mất cơ hội (FOMO) của đám đông khi cho rằng mua vàng bình ổn rẻ, trong khi lịch sử lại cho thấy vàng luôn trong xu hướng tăng giá.
Từ phía NHNN, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, ông Đào Xuân Tuấn cũng đã khuyến nghị, người dân cần thận trọng mua vàng trong bối cảnh giá thế giới biến động như hiện nay. Bởi NHNN sẽ tiếp tục can thiệp để giá vàng trong nước tiếp tục giảm.
"Do vậy, nếu không có nhu cầu thực sự, các chuyên gia cho rằng không nên đổ xô đi mua vàng, nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin, động thái của Chính phủ, NHNN và các diễn biến mới nhất từ thị trường và không nên giữ tâm lý sợ nhỡ cơ hội", ông Tuấn phân tích.