Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mua vàng chỉ có lợi nếu giữ dài hạn, còn đầu tư hay đầu cơ ngắn hạn tương đương với việc ôm lấy rủi ro về phía mình.
Sóng vàng tăng nhanh, giảm sốc
Từ đầu tháng 6 đến nay, khung cảnh xếp hàng mua vàng từ sáng sớm vẫn diễn ra tại các điểm bán của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Đây là những đơn vị đang thực hiện chương trình bình ổn giá vàng theo định hướng của NHNN.
Tuần thứ hai bán vàng bình ổn, các đơn vị chỉ phát 50 số thứ tự mỗi ngày, khiến nhiều người dân phải đi về rồi quay lại điểm bán nhiều ngày liên tiếp nhưng vẫn chưa mua được vàng miếng. Về số lượng, ban đầu các đơn vị thông báo bán không giới hạn, thì nay mỗi người cũng chỉ mua 1 lượng.
Để giải quyết tình trạng xếp hàng, ngày 12-6, Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến cho khách hàng ngay trên website, và nhận vàng tại cửa hàng theo địa chỉ và khung giờ đăng ký. Song vẫn quá tải, nhiều người không đăng nhập được nên vẫn tìm đến tận điểm bán để xếp hàng, có người đến từ 3-4 giờ sáng để được bốc số những số đầu. Ghi nhận cũng có những khách VIP của NH được ưu tiên mua vàng miếng, nhưng cũng chỉ được mua 1 lượng và cũng phải đến các điểm bán ngồi chờ đến lượt.
Xếp hàng mua vàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như nhu cầu cất giữ, cho tặng, trả nợ và cũng có trường hợp xếp hàng mua hộ… Và ai nhờ người mua hộ, bất chấp số tiền hoa hồng, bất chấp giá, mua để làm gì… vẫn là dấu hỏi chưa lời giải. Một thời vào năm 2007, 2008 cũng có tình trạng này, nhưng xếp hàng hộ lấy số mua suất bất động sản.
Vàng vốn là kênh đầu tư truyền thống, và được thế hệ nhà đầu tư lớn tuổi ưa chuộng vì tính an toàn. Trong khi đó, những người trẻ lại ưa thích đầu tư những tài sản rủi ro cao vì mức độ sinh lời tốt hơn. Song hiện tại vàng đang hút cả hai nhóm khách hàng trên. Vì sao người dân đổ xô mua vàng?
Theo các chuyên gia, trong thị trường vàng hiện nay, hiện tượng FOMO (sợ bỏ lỡ) đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là từ sau khi giá vàng SJC liên tục tăng vọt, phá vỡ các đỉnh lịch sử. Đa số đều nhìn vào mức tăng của giá vàng vừa qua để tham gia vào kênh này. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 22,95%, đã rất hấp dẫn đến mức họ quên đi rủi ro ẩn bên trong giá vàng.
Người mua quên nhưng rủi ro vẫn tồn tại, đó là chênh lệch với giá thế giới quá cao (trước đây luôn ở mức 14-18 triệu đồng/lượng). Đồng thời, chênh lệch giá mua-giá bán vàng miếng cũng quá cao, trên 2 triệu đồng/lượng. Thậm chí có những ngày vàng lập đỉnh, chênh lệch giá mua - bán lên đến 4 triệu đồng/lượng.
Lý do chênh lệch giá mua-giá bán chủ yếu là do doanh nghiệp tạo ra mức chênh lớn để hạn chế rủi ro cho họ. Hiểu cách khác, họ đang đẩy rủi ro về phía người mua. Ngay cả lúc này, 5 đơn vị đang bán vàng bình ổn với mức giá chỉ 76,98 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên ở chiều mua, SJC và các doanh nghiệp vàng lớn đều thu mua ở mức 74,98 triệu đồng/lượng. Người dân sẽ lỗ 2 triệu đồng nếu bán ngay.
Rủi ro nữa là giá vàng miếng có xu hướng tăng nhanh giảm sốc. Đơn cử, tháng 5-2024, giá vàng thế giới đã chạm mức 2.450 USD/ounce. Giá vàng miếng SJC cũng liên tục tăng và đạt đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10-5. Tuy nhiên, giá vàng thế giới hiện đã giảm về vùng giá 2.300 USD/ounce.
Trong nước, NHNN “ra tay” bình ổn giá vàng, vàng miếng được bán ra ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Tính trên giá bán, vàng miếng đã giảm 15,4 triệu đồng chỉ trong vòng 1 tháng. Còn những người đu đỉnh ngày 10-5, nếu cần bán ra lúc này sẽ lỗ hơn 17,4 triệu đồng/lượng vì giá mua vào chỉ 74,98 triệu đồng/lượng.
Cần thận trọng đối với đầu tư ngắn hạn
Theo TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mua vàng là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán, nhưng người dân cần thận trọng. Nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều, sẽ phải gánh những khoản lỗ do chính công sức chính mình tạo ra. Vì chỉ một động thái Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngưng mua vàng dự trữ, giá vàng trong một đêm giảm xuống từ 80-100USD, cũng tương tự giá vàng còn phụ thuộc nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu.
Hiện tại, lãi suất đang có xu hướng tăng, giả sử lãi suất sẽ về mức tốt trong thời gian ngắn, nhà đầu tư rút đi, những người ôm vàng giá cao vô hình đã ôm rủi ro vào mình. Không chỉ vậy, ngày 9-6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đã có cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định 24/2012/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất, NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính, xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Bởi việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước, sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nói rằng, giải pháp này có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản... cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều áp dụng quy định đánh thuế. Một điển hình được giới chuyên gia đưa ra là tại Pháp, chủ sở hữu sẽ nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán, hoặc nộp 36,2% trên mức lãi khi bán vàng. Người có vàng sẽ được miễn thuế khi bán nếu nắm giữ từ 22 năm trở lên.
Trong kỳ vọng dài hạn, việc tích trữ vàng giúp cho người dân bảo tồn giá trị và có độ an toàn nhất định, tuy nhiên đầu cơ, đầu tư vàng ngắn hạn vẫn chỉ là tự ôm lấy rủi ro về phía mình.