Trung Quốc - Từ suy giảm đến nguy cơ suy thoái

(ĐTTCO) - Những bất ổn trên thị trường tài chính gần đây thường được truyền thông quy kết cho lỗi của tổng thống Mỹ, khi thực thi các cuộc chiến tranh thương mại đặc biệt với Trung Quốc (TQ). Điều này đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và hàm chứa nhiều bất ổn.
 Song sự thật của những bất ổn này chính là môi trường kinh tế toàn cầu đang suy giảm không chỉ từ châu Âu, Mỹ… mà cả TQ, đã gây ra những lo lắng về sự suy thoái trên toàn cầu.
Mất động lực tăng trưởng từ DNNN
Tăng trưởng kinh tế TQ trong những năm gần đây đã giảm tốc, đặc biệt suy giảm mạnh trong thời gian căng thẳng thương mại giữa Mỹ và TQ lên cao. Có 2 quan điểm nhìn nhận đà suy giảm kinh tế gần đây của TQ. Thứ nhất, đó là tính tự nhiên sau 3 thập niên tăng trưởng nhờ vào đầu tư và xuất khẩu. Thứ hai, quá trình cải cách kinh tế của TQ đã không lường trước bối cảnh thương mại toàn cầu suy yếu. 
 Lãnh đạo TQ thay đổi quan điểm cải cách kinh tế chính là sự đụng chạm đến lợi ích cá nhân của cả quản lý cấp cao trong các DNNN lớn, những lợi ích của những quan chức Chính phủ và chính quyền địa phương.
Trong cuốn sách “The States Strike Back (tạm dịch: Nhà nước chi phối trọng tâm)” của tác giả Nicholas R. Lardy (2019), đã chỉ ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy yếu, làm cho xuất khẩu của TQ suy giảm đà tăng trưởng so với trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008. Dựa trên số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2018 TQ đã có sự sụt giảm cán cân tài khoản vãng lai sau năm 2015.
Mức thâm hụt này còn bị trầm trọng hóa khi khoản mục sai số ròng (net errors and omission) trên bảng cán cân thanh toán (BOP) được ghi nhận lên đến trên 200 tỷ USD. Đây là khoản mục ghi nhận dòng vốn của khu vực tư nhân chảy ra nước ngoài, khi khu vực tư nhân đang bị sức ép lớn trong vị thế cạnh tranh trong nước với các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (DNNN).
Khi khu vực tư nhân đang bị chèn lấn bởi chủ trương cải cách kinh tế TQ, ngược lại phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước kể từ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức năm 2012. Lưu ý, trong tất cả các thông điệp của lãnh đạo đảng và nhà nước TQ từ trong nghị quyết trung ương đến các bài diễn văn, đã không đề cập đến vai trò của thành phần kinh tế tư nhân khi ông Tập Cận Bình điều hành.
Trung Quốc - Từ suy giảm đến nguy cơ suy thoái ảnh 1 Nhiều DN Trung Quốc, đặc biệt là DNNN đang gặp nhiều khó khăn khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. 
Thực tế, nhờ vào những cải cách theo định hướng thị trường sau năm 1978, đã thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân đóng góp đến 70% trong tăng trưởng kinh tế đến năm 2012. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, bức tranh về tăng trưởng theo định hướng thị trường dựa vào các doanh nghiệp tư nhân đã  nhường chỗ cho sự hồi sinh vai trò chi phối của nhà nước trong vấn đề phân bổ nguồn lực, vai trò của thị trường và các doanh nghiệp tư nhân bị co hẹp.
Khả năng tiếp cận nguồn tài trợ từ các ngân hàng và từ các thị trường vốn gia tăng đối với các DNNN đã làm tăng tỷ lệ đầu tư vào các công ty hoạt động kém hiệu quả nhất của TQ, điều này đã đẩy tăng trưởng của TQ xuống dưới mức tiềm năng, đồng thời cũng làm gia tăng rủi ro do tỷ lệ nợ rất cao, đặc biệt là sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 
Trong khi đó, các DNNN đã có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng và từ thị trường vốn trong những năm gần đây, trong khi khả năng sinh lợi ngày càng giảm. 2/5 các DNNN liên tục thua lỗ trong nhiều năm và không trang trải chi phí lãi vay, đã đưa đến sự phân bổ sai nguồn lực đang kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế. Chính điều này đã đưa đến chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương đang trở nên kém hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TQ.
Những lý do này giải thích  tại sao việc mở rộng tín dụng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng như những chính sách hỗ trợ thị trường trước cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ lại đi kèm với tốc độ tăng trưởng chậm lại hơn. Bởi lẽ một phần tăng lên của các khoản tín dụng mới đã được chuyển sang các DNNN đang tạo ra lợi nhuận ngày càng thấp hơn. Một phần của dòng tín dụng gia tăng này không hỗ trợ cho hoạt động kinh tế mới, mà nó chỉ phản ánh vào lãi suất thanh toán cho những khoản vay vốn không đủ khả năng thanh toán của các công ty “xác sống” đã vay trước đó.

Những trở ngại trong tăng trưởng
Việc khôi phục lại vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế đã được định hình lại, bởi Ban lãnh đạo TQ hy vọng rằng các DNNN sẽ phát triển để trở thành cái gọi là vô địch quốc gia và cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia có trụ sở ở các nước khác. Và lãnh đạo TQ dường như đã sẵn lòng chấp nhận sự sụt giảm trong mức tăng trưởng, chỉ nhằm để có thể thực hiện kiểm soát kinh tế và chính trị nhiều hơn. 
Tuy nhiên, cái chính là sự e ngại của lãnh đạo TQ về sự bất ổn xã hội. Bởi việc cải cách chắc chắn sẽ làm thu hẹp quy mô của khu vực nhà nước và cắt giảm hàng triệu việc làm. Bên cạnh đó, ngăn cản tăng trưởng kinh tế là lãnh đạo TQ lo ngại về bất ổn tài chính, tất nhiên điều này có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội.
Và cuối cùng chủ trương giảm đòn bẩy tài chính cho các doanh nghiệp TQ đã không thể thực thi, khi đà suy giảm kinh tế TQ nhanh hơn dự kiến, nhất là giai đoạn cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ gia tăng đỉnh điểm, điều này đã đẩy các doanh nghiệp TQ nói chung suy giảm trong lợi nhuận, cũng như để chống đỡ cho nền kinh tế suy yếu. 
Như vậy Chính phủ TQ tiếp tục bơm tiền, mở rộng tín dụng cho nền kinh tế làm cho mục tiêu giảm đòn bẩy trở nên không thể thực hiện được. Điều này đã làm cho nhiều doanh nghiệp TQ lâm vào làn sóng vỡ nợ trong năm 2019, ước tính gấp 3 lần quy mô vỡ nợ năm 2018. 
Tóm lại, trở ngại trong định hướng tăng trưởng kinh tế TQ đã làm cho nền kinh tế TQ trở nên suy trầm, và cũng là lý do chính giải thích cho sự thất bại trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Cùng với mức độ leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ chuyển sang một giai đoạn mới, sẽ khó có thể thực thi bằng việc tăng thuế. Thay vào đó, Tổng thống Trump sẽ thực thi những biện pháp khi viện dẫn đến đạo luật IEEP - International Emergency Economic Powers Act 1977, để ra lệnh những doanh nghiệp Mỹ buộc phải rời khỏi TQ, càng đẩy nền kinh tế TQ tiến dần đến suy thoái. 

Các tin khác